Để kiểm soát bộ máy chính quyền, bảo đảm các cơ quan Nhà nước và cán bộ, nhân viên Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm của mình, bảo đảm sự liêm chính và phục vụ nhân dân, bảo vệ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ, ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Khi nói về người cán bộ làm công tác thanh tra, người đã nhấn mạnh những yêu cầu riêng đối với người cán bộ làm công tác thanh tra là:
Thứ nhất: Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải gương mẫu
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ thanh tra mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập, như người nói đó là: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng”. Người lý giải: “Thường vì cơ quan, địa phương, bộ phận hay công việc nào có chỗ không đúng, chỗ sai lầm mới cần thanh tra (cũng có khi thanh tra cái tốt, nơi tốt, nhưng thường là như vậy) cho nên phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng. Thí dụ, phái anh tham ô đi thanh tra tham ô thì không được, phái người lười đi thanh tra công việc người khác thì cũng không được. Cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”.
(Bác hồ với cán bộ thanh tra tại hội nghị tổng kết công tác Thanh tra toàn miền Bắc năm 1961)
Theo tư tưởng của người, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ thanh tra còn thể hiện ở việc người cán bộ đó hiểu rõ vinh dự được làm công tác thanh tra, không mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa. Người nói: “Đối với cán bộ, được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”. Người cũng phê bình “Một số cán bộ chưa yên tâm công tác, cho làm công tác thanh tra không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác. Như thế là không hiểu rõ nhiệm vụ của mình, không hiểu vinh dự của mình, là mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa”.
Thứ hai: Cán bộ thanh tra phải có năng lực, kinh nghiệm và uy tín
Người đã dạy: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”. Khi nói về trách nhiệm của người lãnh đạo là phải kiểm tra công việc của các cơ quan, của các cán bộ cấp dưới, Người chỉ rõ, không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra… cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra.
Ngay sau khi thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, ngày 31 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 80/SL cử Cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Chánh nhất của Toà thượng thẩm Hà Nội - một nhân sĩ nổi tiếng, vị quan cao tuổi, có tiếng liêm khiết của triều đình cũ và ông Cù Huy Cận - một trí thức trẻ có năng lực, hăng hái, trong nước cũng biết tiếng, một vị Bộ trưởng trẻ vào Ban Thanh tra đặc biệt.
Đồng thời người đã chỉ đạo ban hành các qui định cụ thể về tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với ngạch công chức ngành Thanh tra để thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Thứ ba: Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ, chuyên môn.
Hiểu rõ về vị trí, vai trò, tính chất của công việc thanh tra cho nên quan điểm của người về yêu cầu đối với người cán bộ thanh tra là phẩm chất, năng lực, trình độ, kinh nghiệm và uy tín phải cao. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, sau khi nêu lên những yêu cầu đối với người cán bộ thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nói như thế có phải là làm cán bộ thanh tra khó khăn không, có phải thần thánh mới làm được thanh tra không? Vì ai cũng có ưu, cũng có khuyết, nhưng cán bộ nào được chọn đi làm việc thanh tra là Đảng và Chính phủ có tin mới chọn mình, mình phải rèn luyện, học tập, cố gắng sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm”. Người còn căn dặn: “Rèn luyện đạo đức cách mạng có khó không? Khó. Nhưng cố học tập, sửa đổi, cố phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm; công việc của cán bộ thanh tra đòi hỏi cái đó lớn hơn cán bộ khác. Các cô, các chú cũng là cán bộ cách mạng, quyết tâm rèn luyện, học hỏi nhất định làm tròn nhiệm vụ. Nhưng phải quyết tâm… Như cái dao bây giờ chưa sắc nhưng cần phải chặt, nên phải cố mài sắc”.
Để uốn nắn những khuyết điểm mà còn biểu hiện ở một số cán bộ thanh tra, người thẳng thắn phê phán, như “kèn cựa địa vị; chưa thật đoàn kết; đối với công việc thì chưa đi sâu đi sát, thậm chí có khi ra oai, doạ dẫm những người bị kiểm tra”. Người cho rằng, những cán bộ thanh tra này phải “tự thanh tra mình và sửa chữa những khuyết điểm”. Người ân cần căn dặn: “Cán bộ thanh tra phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ và trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.
Như vậy, theo tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác thanh tra, kiểm tra có một vị trí, vai trò rất quan trọng. Thanh tra, kiểm tra là một bộ phận của công tác lãnh đạo, công tác quản lý. Nó là công cụ phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thanh tra, kiểm tra luôn luôn gắn liền với quản lý, là một nội dung của quản lý. Thanh tra, kiểm tra còn là một phương thức phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý những biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí, những hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động quản lý và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ được giao.
Từ tính chất, vị trí và vai trò quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra đã nói ở trên, cho thấy trong công tác thanh tra, kiểm tra rất cần sự quan tâm, giúp đỡ, sự trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ và chính quyền quản lý. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Nó đòi hỏi công tác thanh tra phải được tiến hành với những yêu cầu tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời và không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra, kiểm tra. Cũng chính do vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra cho nên nó đặt ra yêu cầu đối với người cán bộ thanh tra là phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải tự mình gương mẫu, có năng lực, kinh nghiệm và uy tín; đồng thời phải luôn luôn cố gắng rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng và học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
S.T
Đào Tiến Dương
![]() | Hôm nay | 55 |
![]() | Hôm qua | 331 |
![]() | Tuần này | 872 |
![]() | Tuần trước | 2846 |
![]() | Tháng này | 1282 |
![]() | Tháng trước | 9362 |
![]() | Tất cả | 1318892 |