Sucralose là chất ngọt nhân tạo không chứa calo, dùng để thay thế đường được nhiều bệnh nhân tiểu đường và người ăn kiêng quan tâm. Vậy Sucralose là chất gì? Sử dụng Sucralose có hại không? Hãy cùng giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết tìm hiểu về Sucralose dưới đây nhé!
1. Sucralose là chất gì?
Sucralose là một chất làm ngọt nhân tạo, không chứa calo và được dùng làm chất thay thế đường. Nó có độ ngọt gấp khoảng 320 – 1.000 lần so với đường mía, gấp 3 lần so với aspartame… Sucralose ổn định dưới tác động nhiệt nên có thể được sử dụng trong nấu nướng hoặc trong sản phẩm có hạn sử dụng dài…
Sucralose có danh pháp IUPAC là (1→6)-Dichloro-(1→6)-dideoxy-β-D-fructofuranosyl-4-chloro-4-deoxy-α-D-galactopyranoside. Ngoài ra còn được gọi với các tên như: 1′,4,6′-Trichloro galactosucrose; Trichlorosucrose; E955; 4,1′,6′-Trichloro-4,1′,6′-trideoxygalactosucrose; TGS; Splenda.
Sucralose được phát hiện vào năm 1976 bởi các nhà khoa học từ Tate & Lyle đến từ Queen Elizabeth College, Anh trong khi nghiên cứu cách sử dụng sucrose và các dẫn xuất tổng hợp của nó dùng trong công nghiệp.
Sucralose được sản xuất qua một quá trình tổng hợp nhiều bước, trong đó ba của nhóm hydroxyl của sucrose được thay thế bằng 3 nguyên tử clo.
Cấu trúc phân tử Sucralose
2. Sucralose có trong sản phẩm nào?
Sucralose được sử dụng rất phổ biến trên 80 quốc gia và trong rất nhiều các loại thực phẩm. Khi nhắc đến Sucralose thường mọi người sẽ liên tưởng đến Splenda – 1 sản phẩm kết hợp giữa sucralose với maltodextrin và dextrose.
Nhờ khả năng tạo ngọt nhưng không chứa calo nên hóa chất này được sử dụng nhiều trong sản xuất các loại bánh kẹo, nước uống, siro, mứt, thạch, thực phẩm…, đặc biệt là những sản phẩm dành cho người ăn kiêng, muốn giảm cân và bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó do có khả năng chịu nhiệt tốt nên Sucralose hay được dùng trong các món nướng. Ngoài ra trong sản xuất dược phẩm, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, vitamin cũng rất hay sử dụng để tạo vị ngọt.
3. Lợi ích khi sử dụng Sucralose
Ngày nay sucralose được sử dụng phổ biến nhờ những lợi ích của chúng mang lại như:
Hỗ trợ quá trình giảm cân:
Do Sucralose có vị ngọt hơn hẳn các loại đường khác nên chỉ cần sử dụng 1 lượng nhỏ chúng ta cũng đã cảm nhận được vị ngọt. Hơn nữa chúng gần như không có calo nên giúp người trong quá trình giảm cân có thể kiểm soát được lượng calo nạp vào cơ thể mà không phải kiêng tuyệt đối đồ ngọt.
Sucralose không gây sâu răng
So với các loại đường khác thì sucralose ít gây ảnh hưởng đến tình trạng răng miệng. Do chúng không bị các enzyme tiêu hóa tác động để phân tách, chuyển hóa thành đường glucose để tham gia vào các quá trình khác. Đồng thời trong phân tử có chứa Clo có tính oxi hóa mạnh, có khả năng chống lại vi khuẩn nên không gây ảnh hưởng đến men răng cũng như kích thích sự phát triển của sâu răng.
Không để lại hậu vị
Khi ăn chúng ta có thể cảm nhận ngay vị ngọt của Sucralose. Sau khi biến mất chúng cũng không để lại hậu vị đắng nhẹ như đường thông thường.
Với những lợi ích như trên nên Sucralose được rất nhiều người cũng như các doanh nghiệp sử dụng, đặc biệt những người trong quá trình giảm cân, kiêng đường.
4. Sucralose ảnh hưởng đến bệnh nhân tiểu đường như thế nào?
Các sản phẩm bánh kẹo, đồ uống có sử dụng sucralose được rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường ưa chuộng vì những lời quảng cáo không làm tăng đường huyết. Vậy sự thật có như vậy không? Hiện nay chưa có khẳng định chắc chắn về việc sucralose không ảnh hưởng tới đường huyết.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, ở những người thường xuyên sử dụng thì sucralose rất ít hoặc không có ảnh hưởng tới đường huyết. Tuy nhiên một nghiên cứu khác cho thấy sucralose có thể làm tăng khoảng 14% đường huyết và tăng 20% insulin ở 17 người bị béo phì và không thường xuyên sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo. Từ những nghiên cứu trên gợi ý rằng sucralose sẽ ảnh hưởng nhiều tới đường huyết ở những người ít sử dụng đường nhân tạo và kém ảnh hưởng hơn ở những người quen sử dụng đường nhân tạo trước đó. Tuy nhiên điều này vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chính xác.
5. Sử dụng Sucralose có an toàn?
Sucralose được cho là một trong 2 loại đường hóa học tương đối an toàn đối với con người do tổ chức phi chính phủ CSPI (Center for Science in the Public Interest) phê duyệt. Theo FDA, cơ thể có thể dung nạp sucralose ở mức 5mg/kg cân nặng/ngày. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu sử dụng thường xuyên các sản phẩm có chứa sucralose có thể gây ra một số vấn đề gây hại cho sức khỏe.
Ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột
Sử dụng Sucralose thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột. Hệ vi khuẩn này có vai trò quan trọng đến sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe tim mạch… Sucralose làm thay đổi, gây suy yếu hệ vi khuẩn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Trong một nghiên cứu trên chuột cho thấy: Sau 12 tuần, những con chuột ăn chất làm ngọt giảm 47-80% lượng vi khuẩn kỵ khí, trong khi các vi khuẩn có hại dường như ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên để đánh giá ảnh hưởng trên con người cần có nhiều nghiên cứu hơn.
Ảnh hưởng đến hormone
Nghiên cứu in vivo cho thấy sucralose có thể ảnh hưởng đến lượng hormone trong hệ tiêu hoá, gây ra các vấn đề về chuyển hoá như thừa cân béo phì và tiểu đường type 2. Sucralose có thể dẫn đến tình trạng không dung nạp glucose và làm tăng nguy cơ tiểu đường.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Việc tích lũy sucralose trong cơ thể có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
- Teo tuyến ức, các nang bạch huyết ở lá lách và tuyến ức
- Làm tăng kích thước tế bào gan,thận.
- Giảm tốc độ tăng trưởng cơ thể và tế bào hồng cầu; tăng nguy cơ ung thư máu.
- Kéo dài thời gian mang thai, tăng nguy cơ sảy thai, ảnh hưởng đến thai nhi…
Nguy cơ giải phóng chất độc
Vì tính bền với nhiệt độ nên sucralose hay được sử dụng trong các quá trình nấu nướng. Tuy nhiên khi nhiệt độ cao, sucralose có thể phân hủy, biến đổi tạo thành chất gây độc chlorinate. Dù nguy cơ chưa chắc chắn nhưng vẫn cần cẩn thận khi sử dụng sucralose trong nấu nướng.
Sử dụng Sucralose có an toàn?
Có thể thấy sử dụng sucralose vừa có nhiều lợi ích vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Việc sử dụng sucralose trong thực phẩm cần được cân nhắc cẩn thận nhất là với những bệnh nhân tiểu đường cần có sự chấp thuận của bác sĩ.