Thời gian qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xây dựng đội ngũ BCV đạt cả về số lượng lẫn chất lượng. Đội ngũ BCV được các cấp ủy chọn lọc kỹ lưỡng từ những người có trình độ lý luận, chuyên môn; có năng lực, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; có phương pháp sư phạm; thường xuyên trau dồi về kỹ năng, nghiệp vụ, được tập huấn về nội dung. Phần lớn BCV đã được tham gia học Nghị quyết (NQ) do Thành ủy tổ chức, được cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, tạp chí và các phương tiện truyền đạt. Khi triển khai, các BCV đã bám sát trọng tâm của NQ, trong từng nội dung cụ thể đều có phân tích, chứng minh, liên hệ thực tế giúp cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Hiện nay, Thành ủy có 954 BCV, trong đó có bảy BCV cấp Trung ương, 78 BCV cấp thành phố, 649 BCV cấp quận, huyện và 220 BCV đảng ủy cấp cơ sở. Bên cạnh đó, ở các xã, phường, thị trấn còn có tổ BCV từ ba đến năm người, cùng với các giảng viên của Học viện Chính trị Khu vực II và giảng viên Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh tham gia báo cáo NQ, phần nào đáp ứng yêu cầu triển khai, quán triệt các NQ của Đảng đến với cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, so với số lượng cán bộ đảng viên, tổ chức cơ sở đảng của thành phố ngày càng tăng nhanh, việc bổ sung đội ngũ BCV của thành phố là điều cần thiết. Theo Thạc sĩ Trần Thị Hà Vân, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Cán bộ thành phố), thành phố hiện có 2.382 tổ chức cơ sơ đảng, với gần 200 nghìn đảng viên, cùng hơn 140 nghìn cán bộ. Mỗi khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra NQ mới, thành phố cần phải tổ chức khoảng 2.000 lớp để quán triệt NQ. Trong khi đó, phần lớn BCV là người giữ chức vụ trong các cơ quan cho nên việc thường xuyên báo cáo NQ là điều không đơn giản. Mặt khác, dù luôn chú trọng nâng cao về chất lượng BCV, trên thực tế, một số BCV vẫn còn hạn chế về năng lực trong việc báo cáo NQ. “Có BCV ở cơ sở rất ít liên hệ thực tế ở địa phương mà hầu như chỉ mới bảo đảm được nội dung NQ theo đề cương của Trung ương”- Thạc sĩ Trần Thị Hà Vân cho biết thêm. Điều này khiến cho buổi học nghị quyết trở nên khô khan làm người học mệt mỏi, khó tiếp thu. Ngược lại, vẫn có những BCV tạo được không khí sinh động cho buổi học nhưng lại không rút ra được những trọng tâm, những nội dung cốt lõi của NQ cho nên khi kết thúc buổi báo cáo, người học vẫn chưa thể nắm được những nội dung chính, điểm mới của NQ đó. “Có BCV khi báo cáo chỉ nói về bản thân mình, điều này cũng gây khó chịu đối với người học”- Thạc sĩ Võ Hồng Tài, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy các Khu chế xuất và Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh nêu lên một thực tế. Ngoài ra, một số BCV chưa đổi mới về phương pháp, chưa ứng dụng công nghệ vào báo cáo, thiếu đầu tư, nghiên cứu nghị quyết cho nên khi triển khai còn gặp nhiều hạn chế, không đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong thời đại công nghệ thông tin, cán bộ, đảng viên dễ dàng có điều kiện tiếp cận các NQ của Đảng. Việc học NQ vì thế cũng có nhiều hình thức khác nhau như học qua các phương tiện báo chí, truyền thông, hay cán bộ, đảng viên có thể tự học, tự nghiên cứu các NQ. Tuy nhiên, đến nay, hình thức tổ chức các lớp học tập nghiên cứu NQ do đội ngũ giảng viên, BCV trực tiếp trình bày vẫn mang lại hiệu quả cao nhất. BCV chính là người đưa “hơi thở” của NQ đi vào cuộc sống, vì thế, nâng cao chất lượng đội ngũ BCV là việc làm cần được chú trọng, quan tâm thường xuyên. Thạc sĩ Trần Thị Hà Vân chia sẻ kinh nghiệm bản thân: Các cấp ủy cần chú trọng xây dựng, bổ sung đội ngũ BCV đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thành ủy, các quận ủy, cấp ủy tương đương cần chú trọng động viên, bồi dưỡng để các bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở có thể tham gia báo cáo NQ. Hiện nay, nhiều bí thư, phó bí thư phường đã đứng ra báo cáo NQ ở cơ sở, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. “Khi bí thư, phó bí thư phường, xã báo cáo NQ sẽ có những liên hệ thực tế sát với địa phương hơn, giúp cho người học dễ hiểu và dễ nắm được những chủ trương mới được thể hiện trong NQ” – Trưởng Ban Tuyên giáo quận 10 Nguyễn Tấn Tài chia sẻ. Ngoài ra, đội ngũ BCV cần phải được bồi dưỡng kỹ năng báo cáo NQ thường xuyên. Ngoài kỹ năng cứng như trình độ, kiến thức, am hiểu thực tiễn, BCV cần phải có những kỹ năng mềm như: kỹ năng chọn vấn đề trọng tâm, kỹ năng diễn đạt, kỹ năng liên hệ thực tế… Những kỹ năng này sẽ giúp cho BCV truyền đạt đến người học đầy đủ những kiến thức cần thiết, từ đó người học cũng tiếp thu nội dung NQ một cách dễ dàng hơn.
Để nâng cao chất lượng BCV, thành phố cần xây dựng, đào tạo nguồn báo cáo viên trẻ, có năng lực. Việc thường xuyên mở các hội thi BCV sẽ là cơ hội tốt để BCV trẻ thể hiện năng lực, từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh khi báo cáo NQ trước đông đảo người học. Tiến sĩ Tần Xuân Bảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: Đội ngũ BCV phải giàu tâm huyết và năng lực tuyên truyền. Bên cạnh tham gia các lớp bồi dưỡng của thành phố, mỗi BCV phải nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân. Điều này có tính quyết định đến chất lượng của BCV, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác triển khai NQ của Đảng nói riêng và công tác tuyên truyền nói chung.