Bệnh chàm là gì?
Chàm (eczema) là một loại bệnh viêm da mạn tính khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến thẩm mỹ da. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh chàm qua bài viết dưới đây nhé!
1. Chàm là gì?
Chàm là tình trạng viêm da gây kích thích và ngứa, thường diễn biến mạn tính và xuất hiện bằng các đám mảng đỏ, mụn nước và ngứa. Triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa đông do da bị khô. Loại chàm da phổ biến nhất là chàm da dị ứng, chiếm tỉ lệ từ 10% – 20% ở trẻ sơ sinh và khoảng 3% ở người lớn và trẻ em. Tỉ lệ bệnh chàm có thể khác nhau ở các chủng tộc khác nhau, thông thường từ 10% – 13%.
Bệnh chàm có thể xảy ra ở hầu hết các vị trí trên cơ thể, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay, cẳng tay, cánh tay và ít gặp hơn ở mặt, cổ, da đầu, chân, ngực và lưng.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh chàm
-
Cơ địa (gen, hệ miễn dịch): Nếu trong gia đình có người mắc chàm hoặc các bệnh viêm da khác, bạn có nguy cơ cao mắc chàm hơn. Nếu bạn có tiền sử mắc các bệnh liên quan nhiều đến hệ miễn dịch như hen phế quản, dị ứng, cũng có nguy cơ mắc chàm cao hơn.
-
Yếu tố môi trường: Môi trường không tốt cũng có thể gây kích ứng trên da như tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí, vải len và một số sản phẩm chăm sóc da. Độ ẩm quá thấp cũng có thể làm da khô và ngứa. Một số loại cây cũng có thể gây tình trạng chàm cho cơ thể.
-
Sức khỏe và sức đề kháng yếu: Sức khỏe và sức đề kháng yếu cũng là một trong những điều kiện thuận lợi làm cho bệnh chàm dễ phát sinh và lây lan nhanh chóng trên bề mặt da.
3. Phân loại chàm
-
Viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa hay viêm da dị ứng là dạng chàm hay gặp nhất trong đời sống. Đa số gặp ở trẻ sơ sinh và triệu chứng giảm đi khi trẻ trên 10 tuổi. Viêm da cơ địa sẽ có nguy cơ mắc hơn ở những người có các yếu tố như hen phế quản, da khô hoặc mắc một vấn đề nào đó liên quan đến suy giảm miễn dịch.
-
Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc xảy ra khi tiếp xúc với một chất gây kích ứng, gây ra các triệu chứng ngứa da bị đỏ lên, kích ứng và gây ngứa.
-
Chàm tổ đỉa: Chàm tổ đỉa là bệnh viêm da với mụn nước kèm theo da đóng vảy, nứt, bong tróc.
-
Viêm da tiết bã: Viêm da tiết bã do sự hoạt động quá mức của tuyến bã, gây ra các mảng bã nhờn từ đó tạo nên các mảng bong tróc giống như gàu.
-
Viêm da thần kinh: Viêm da thần kinh bắt đầu bằng triệu chứng ngứa ở các vùng da như gáy, cánh tay hoặc chân, người bệnh sẽ gãi để giảm cảm giác ngứa, tạo nên những mảng đỏ trên da tạo thành vòng lặp ngứa – gãi – ngứa.
-
Chàm thể đồng tiền: Chàm thể đồng tiền là dạng viêm da có những nốt sẩn hình tròn hoặc mụn nước giống như đồng tiền.
-
Viêm da ứ trệ: Viêm da ứ trệ là viêm da hay gặp ở bệnh nhân phù mạn tính do các bệnh lý suy tĩnh mạch mạn tính, suy tim phải hoặc phù bạch huyết. Tình trạng viêm da này thường xảy ra chủ yếu ở cẳng chân, gây ra sưng tấy và lở loét.
-
Chàm tay: Chàm tay chỉ xảy ra ở tay, do đặc thù công việc tiếp xúc nhiều với các hóa chất.
4. Triệu chứng bệnh chàm
Triệu chứng bệnh chàm thường có sự khác nhau tùy theo từng người, biểu hiện nặng nhẹ phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.
-
Triệu chứng chung:
-
Ngứa là triệu chứng thường gặp và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt.
-
Đỏ bừng cả mảng da.
-
Xuất hiện mụn nước.
-
Xuất hiện vết loét, đóng vảy hoặc rỉ nước.
-
Da khô, xuất hiện vảy.
-
-
Triệu chứng chàm ở trẻ sơ sinh:
-
Chàm có thể xuất hiện ở nhiều vị trí da, nhưng đặc biệt hay xuất hiện ở hai bên má và da đầu, các vùng da mặc tã thì hầu như không xuất hiện.
-
Đầu tiên thường xuất hiện các mụn nước dày đặc.
-
Sau khi các mụn nước vỡ, sẽ gây nên tình trạng rỉ nước. Các mụn nước khô dần sẽ để lại tình trạng da khô, đỏ, tróc vảy.
-
-
Triệu chứng chàm ở trẻ nhỏ:
-
Thường xuất hiện ở các nếp gấp như khuỷu, cổ tay, cổ chân…
-
Các vị trí khác ít gặp hơn là mi mắt, vành tai, cổ và da đầu.
-
Có thể gặp các mụn nước giống với chàm tổ đỉa.
-
Da ngày càng dày (tổn thương lichen hóa), gây nên tổn thương hàng rào bảo vệ da vĩnh viễn.
-
Đa số các trường hợp sẽ khỏi ở lứa tuổi thanh thiếu niên (chiếm 60%).
-
-
Triệu chứng chàm ở người lớn:
-
Các vết dày sừng do ngứa xuất hiện nhiều vảy hơn ở trẻ em.
-
Các vết sần ngứa bao phủ khắp cơ thể.
-
Da rất khô.
-
Xuất hiện tình trạng những sẩn ngứa tồn tại vĩnh viễn.
-
Có thể gặp tình trạng nhiễm trùng da do bội nhiễm lên các tổn thương khi gãi.
-
5. Biến chứng của bệnh chàm
-
Bệnh chàm chảy nước: Bệnh chàm chảy nước được mô tả là bệnh chàm có mụn nước li ti, chứa đầy chất lỏng (màu của chất lỏng này có thể là trắng hoặc vàng). Các mụn nước này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể, đôi khi đi kèm với các nốt phồng rộp màu đỏ hoặc màu tím. Các mụn nước xuất hiện, vỡ ra có thể làm da ẩm ướt nhưng cũng là môi trường cực kỳ thuận lợi để virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu bệnh diễn biến nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết (nách, bẹn, cổ).
-
Bệnh chàm nhiễm trùng (vi khuẩn, virus): Chàm gây ra cảm giác ngứa nên người bệnh sẽ thường xuyên gãi, gây tổn thương lớp da của cơ thể. Lúc này, các vi khuẩn cơ hội đặc biệt là liên cầu hay tụ cầu vàng sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây viêm và nhiễm trùng da. Nếu trường hợp này không được xử lý có thể diễn biến nặng hơn thành nhiễm trùng huyết, gây đe dọa tính mạng. Virus hay gây bệnh cho cơ thể người bệnh bị mắc chàm da là Herpes Simplex virus. Các triệu chứng hay gặp của biến chứng này là các nốt phồng rộp, lớp vảy cứng, có hiện tượng sốt cao (lớn hơn 38,5 độ C) và hạch to trong vài ngày. Cần phải điều trị kịp thời để tránh lây lan.
-
Bệnh chàm gây biến chứng ở mắt: Khi bệnh chàm nặng hơn sẽ gây nên những biến chứng cho mắt như đục thuỷ tinh thể, mí mắt dưới bị phù nề, sưng đỏ. Một số trường hợp khác, bệnh kích thích vào giác mạc gây thoái hoá và suy yếu giác mạc.
6. Chẩn đoán bệnh chàm
-
Khám lâm sàng (khám da liễu): Chẩn đoán bệnh chàm hoàn toàn dựa vào lâm sàng. Dựa vào các tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình cũng như tiền sử tiếp xúc, xác định các yếu tố nguy cơ khiến dễ mắc bệnh chàm hơn. Các đặc điểm của chàm có thể khó phân biệt với các bệnh khác. Tuy nhiên, có một số đặc điểm có thể giúp phân biệt như:
-
Bệnh vảy nến: mảng da đỏ, dày, ranh giới rõ, thường xuất hiện ở mặt gấp, có thể đi kèm các đặc điểm về móng tay khác như đốm dầu, vết rỗ trên móng tay.
-
Bệnh viêm da tiết bã thường ảnh hưởng nhiều nhất ở mặt.
-
-
Test dị ứng: Test dị ứng không giúp chẩn đoán xác định có phải bệnh chàm hay không. Tuy nhiên, có thể giúp xác định được các yếu tố nguy cơ cao khiến cho cơ thể dị ứng, giúp người bệnh có thể có kế hoạch hạn chế tiếp xúc với những kháng nguyên này.
7. Khi nào cần gặp bác sĩ
-
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ: Nếu da của bạn xuất hiện bất kỳ tình trạng nào như nổi mụn nước, ngứa, mẩn đỏ, da tăng sắc tố, da dày nổi sần mà không hết theo thời gian thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và điều trị.
-
Các bệnh viện da liễu hoặc bệnh viện có chuyên khoa da liễu: Bạn có thể tham khảo các bệnh viện chuyên khoa Da liễu hoặc khoa Da liễu của các bệnh viện đa khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị tránh những biến chứng nguy hiểm.
8. Cách điều trị bệnh chàm
Do chưa thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh nên việc điều trị cũng khó có thể trị dứt điểm, các phương pháp điều trị hiện nay nhằm kiểm soát các triệu chứng và phòng tránh bệnh tái phát.
-
Chăm sóc hàng ngày: Thực hiện các biện pháp chăm sóc da hằng ngày để hỗ trợ điều trị tốt nhất.
-
Dùng thuốc: Sử dụng các loại kem mỡ và thuốc bôi corticoid để giảm triệu chứng ngứa của bệnh chàm. Nếu sử dụng kem không hiệu quả, các bác sĩ có thể sử dụng corticoid đường toàn thân. Kháng sinh cũng được sử dụng khi có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.
-
Hạn chế tiếp xúc tác nhân có thể gây chàm bùng phát: Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng da như thực phẩm dễ gây dị ứng, yếu tố phát tán trong không khí, các loài động vật, côn trùng, ký sinh trùng và các loại hoá chất.
9. Biện pháp phòng ngừa bệnh chàm
-
Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da phù hợp: Tránh sử dụng các loại mỹ phẩm, xà phòng gây kích ứng da. Khi thử một loại sản phẩm mới, nên dùng thử trong 24 giờ trên vùng da cánh tay để kiểm tra phản ứng. Sử dụng những sản phẩm tránh kích ứng nếu bạn có cơ địa nhạy cảm.
-
Tránh gãi da: Khi ngứa, tránh gãi nhiều trên da. Có thể sử dụng chườm đá lạnh để giảm triệu chứng ngứa.
-
Tránh tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng da.
-
Dưỡng da: Hạn chế mất nước da bằng cách bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể và dùng kem dưỡng ẩm.
-
Điều chỉnh chế độ sinh hoạt: Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tránh các hoạt động thể lực hoặc gây ra nhiều mồ hôi.
HEFC đã chỉnh sửa đoạn văn này. Xem thêm thông tin về HEFC tại HEFC.