1. Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu thì uy tín?
Theo khoản 1 Điều 9 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, các phương tiện chịu phí và miễn phí sử dụng đường bộ đều phải được gắn thẻ đầu cuối. Đây là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Thiết bị này còn được biết đến với tên gọi thông dụng hơn là thẻ thu phí tự động không dừng. Căn cứ khoản 2 Điều Điều 9 Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, việc gắn thẻ thu phí tự động có thể được thực hiện tại các địa điểm sau:
– Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc.
– Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền.
– Các trạm thu phí tự động.
Hiện nay đang có 02 đơn vị cung cấp thẻ thu phí không dừng là công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC (cung cấp thẻ eTag) và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC (cung cấp thẻ ePass).
* Đối với thẻ eTag:
Để thuận tiện cho việc dán thẻ thu phí tự động, chủ phương tiện có thể tra cứu các địa điểm dán thẻ eTag tại link sau: https://vetc.com.vn/cac-diem-dan-the-mo-tai-khoan-vetc-tren-toan-quoc-c16.html
* Đối với thẻ ePass:
Theo Thông tin được đăng tải trên Websitw: https://epass-vdtc.com.vn/, chủ phương tiện có thể đăng ký dán thẻ ePass ở các địa điểm sau:
– Đăng ký online trên hệ thống để chọn dán thẻ tại nhà.
– Dán thẻ ePass tại cửa hàng Viettel Store: Xem chi tiết địa chỉ tại: https://epass-vdtc.com.vn/dang-ky-dich-vu-epass-tai-viettelstore/
– Dán thẻ ePass tại các điểm bưu cục ViettelPost: Xem chi tiết địa chỉ tại: https://viettelpost.com.vn/tim-kiem-buu-cuc/
– Dán thẻ ePass tại các trạm thu phí BOT do đơn vị VDTC quản lý: Xem chi tiết địa chỉ tại: https://epass-vdtc.com.vn/tram-thu-phi/
– Dán thẻ ePass tại các trạm đăng kiểm xe cơ giới liên kết với VDTC.
2. Thẻ thu phí không dừng hết bao nhiều tiền?
Để di chuyển thuận lợi trên cao tốc, chủ phương tiện có thể chọn dán thẻ eTag của VETC hoặc thẻ ePass của VDTC. Cả hai loại thẻ thu phí không dừng đều có giá trị sử dụng như nhau.
Theo thông báo mới nhất đến từ hai đơn vị VETC và VDTC, mức phí dán thẻ thu phí không dừng được niêm yết như sau:
– Thẻ eTag của VETC:
+ Phí dán thẻ và kích hoạt lần đầu tài khoản giao thông eTag:
- Miễn phí đến hết ngày 05/8/2022.
- Từ 0h ngày 06/8/2022: 120.000 đồng/lần.
+ Phí dán thẻ eTag từ lần thứ hai trở đi: 120.000 đồng/lần.
– Thẻ ePass của VDTC:
+ Phí dán thẻ và kích hoạt mới tài khoản giao thông ePass: 120.000 đồng/lần (giá áp dụng từ ngày 25/7/2022).
+ Phí dán thẻ ePass từ lần thứ hai trở đi: 120.000 đồng/lần (giá áp dụng từ 05/7/2022).
3. Dán thẻ thu phí không dừng cần mang theo giấy tờ gì?
Khi đi đăng ký dán thẻ mở tài khoản, chủ phương tiện cần mang theo những giấy tờ sau:
– Chủ phương tiện là cá nhân: Mang theo Chứng minh nhân dân/Thẻ Căn cước công dân/Hộ chiếu/Giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
– Chủ phương tiện là doanh nghiệp: Mang theo Giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản sao chứng thực), giấy đăng ký xe, giấy đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
– Chủ phương tiện là tổ chức hoặc các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp: Mang theo công văn đề nghị mở tài khoản (có dấu đỏ), giấy đăng ký xe, giấy đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
Lưu ý: Chủ phương tiện là các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nếu đăng ký dán thẻ cho nhiều xe thì phải có danh sách số lượng xe đề nghị dán thẻ ETC (bản gốc và có xác nhận của doanh nghiệp/tổ chức).
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu?” Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.