Giới thiệu về người Thái
Người Thái, còn được gọi là Tày Khao, Tày Đăm, Thái Đỏ và một số nhóm nhỏ khác chưa được phân định rõ ràng. Người Thái có mặt ở Việt Nam từ hơn 1000 năm trước, có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Người Thái sử dụng các ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Thái, thuộc ngữ hệ Thái – Kadai. Trong nhóm này có tiếng Thái của người Thái Lan, tiếng Lào của người Lào, tiếng Shan của người Myanmar và tiếng Choang ở miền Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, có 8 dân tộc ít người được xếp chung vào nhóm ngôn ngữ Thái, bao gồm Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái. Người Thái cư trú ở một số tỉnh chủ yếu sau đây tại Việt Nam: Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Người Thái ở 8 tỉnh này chiếm 97,6% dân số. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Thái ở nước ta có 1.550.423 người, là dân tộc đứng thứ 3 về dân số tại Việt Nam. Con số này so với 10 năm trước, năm 1999 tăng hơn 200.000 người. Đó là một tỷ lệ tăng vừa phải trong cộng đồng cư dân các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. HEFC
Cô gái Thái dệt cửi. Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình.
Ảnh: thethaovanhoa.vn
Phân bố và sinh hoạt
Người Thái sinh sống chủ yếu tại Tây Bắc, một số ít ở Tây Thanh Hoá, Nghệ An. Hiện nay, với tinh thần tự do trong hiến pháp, họ cư trú trên 63 tỉnh và thành phố để làm ăn, sinh sống và học tập, cùng với các dân tộc anh em, khác xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh trong tương lai.
Kinh tế và văn hóa
Kinh tế của người Thái truyền thống khá mạnh về nông nghiệp làm ruộng nước. Họ có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cộn, bắc mương lấy nước. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Người Thái cũng phát triển làm vườn, trồng lúa căn và hoa màu, cùng nhiều thứ cây quả, củ khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải và có một số nơi làm đồ gốm.
Múa sạp trong lễ hội của người Thái tại Mai Châu, Hòa Bình.
Ảnh: Internet
Phong tục và tập quán
Hôn nhân gia đình của người Thái có tục ở rể, vài năm sau, khi đôi vợ chồng đã có con, mới về ở bên nhà chồng. Hiện nay, phong tục truyền thống đó đã bị phá vỡ, dù có đôi ba trường hợp gia đình nhà gái khó khăn, vẫn xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, đó không phải là hiện tượng riêng có, mà của bất cứ cộng đồng nào gặp khó khăn. Cô gái Thái sau khi lấy chồng phải buội tóc (tằng cẩu) ở trên đỉnh đầu, như là một chỉ dẫn về tình trạng hôn nhân của người phụ nữ Thái.
Tín ngưỡng và văn hóa dân gian
Người Thái quan niệm, chết là tiếp tục “sống” ở thế giới bên kia, do đó, đám ma là lễ tiễn người chết về “Mường Trời”. Mộ địa của người Thái thường đặt trong rừng, có nhà mồ và nấm mộ. Xưa kia, người Thái còn có tục dựng hòn mồ bằng đá, như là một tàn dư của tín ngưỡng cú thạch mai tang. Nay tàn dư ấy không còn nhưng vẫn còn nhận ra ánh xạ qua những cây cột gỗ của nhà mồ vài chục năm về trước.
Văn hóa dân gian của người Thái vô cùng phong phú. Đó là những thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao… Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của dân tộc Thái như Xống chụ xon xao, Khum Lú nàng úa đều là những di sản văn hóa quý báu mà người Thái còn bảo lưu cho tới nay trong cộng đồng.
Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ văn học, luật tục được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Người Thái rất thích ca hát, đặc biệt là Khắp tay. Đó là lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa xạp, ném còn trở thành những di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng của cộng đồng này, không chỉ người dân Việt Nam biết đến mà cả thế giới ngưỡng mộ mỗi khi được cách tân hoá, mang đi biểu diễn ở nước ngoài.
Kiến trúc
Đặc điểm khác biệt nhất của nhà cửa người Thái so với người Việt và Hoa là xây nhà sàn. Nhà của người Thái Trắng có khá nhiều điểm gần gũi với nhà của người Tày – Nùng. Nhà của người Thái Đen lại gần với kiểu nhà của cư dân Môn – Khmer. Tuy vậy, nhà của người Thái Đen lại có đặc trưng không hề thấy ở nhà của cư dân Môn – Khmer: Nhà của người Thái Đen có nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút với nhiều kiểu khác nhau. Hai gian hồi để trống và có lan can bao quanh. Khung cửa ra vào và cửa sổ có nhiều kiểu trang trí khác nhau.
Bộ khung nhà Thái có hai kiểu vì cơ bản, đó là Khứ kháng và Khay điêng. Vì Khay điêng chính là Khứ kháng mở rộng bằng cách thêm hai cột nữa. Kiểu vì này dần gần lại với kiểu vì nhà người Tày – Nùng.
Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt của ngôi nhà người Thái Đen là khá độc đáo: Các gian được chia thành hai phần: Phần dành cho nơi cư ngụ của các thành viên trong gia đình, một nửa dành cho bếp và phần còn lại là nơi tiếp khách nam.
Văn hoá và cuộc sống của người Thái vẫn còn nhiều điều đáng khám phá. Bài viết chỉ là một lược đồ đầu tiên để có thể trải nghiệm với cộng đồng dân tộc Thái và khám phá thêm những giá trị lịch sử và văn hóa của họ tại các khu vực như Mai Châu (Hòa Bình), Sơn La, Điện Biên và Tây Thanh – Nghệ. HEFC