Các Loại Phụ Liệu Dùng Trong May Đo Âu Phục
Phụ Liệu Dựng Áo Là Gì?
Phụ liệu dựng áo, hay còn được gọi là Interlining trong ngành may đo, là một loại phụ liệu được đặt giữa hai lớp vải chính và vải lót, nhằm giữ được hình dáng theo thiết kế mong muốn của trang phục. Thông thường, phụ liệu này không thể nhìn thấy bên ngoài.
Phân Loại Phụ Liệu Dựng Áo Trong May Đo
Phụ liệu dựng áo có keo ép (Fusible Interlining)
- Lớp phụ liệu này có một lớp keo phủ lên bề mặt, còn được gọi là mếch hay interfacing. Đây là loại phụ liệu dùng phổ biến nhất vì dễ sử dụng. Nó được sử dụng để làm đường nút áo, viền khóa quần, viền túi, cổ áo sơ mi, và dựng toàn phần trước của áo.
- Trên thị trường hiện có nhiều loại phụ liệu dựng áo có keo để lựa chọn.
Lưu Ý Khi Sử Dụng:
- Sản phẩm thường cứng sau khi ép keo, nên cần thử ép trước khi sản xuất.
- Không phù hợp với một số loại vải, cần áp dụng đúng loại. Ví dụ, khi áp dụng cho loại vải có nhiều lông, keo sẽ không bám chắc vào sợ vải.
- Bề mặt lớp vải phải phẳng khi ép, nếu có nếp gấp hay nếp nhăn, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả độ bám dính.
Phụ liệu dựng áo không có keo (Dựng – Nonfusible Interlining)
- Lớp phụ liệu này không có phủ keo, thường được làm từ vải canvas, vải nỉ, vải cotton,…
- Dùng để đệm vai, đệm tay, đệm ngực, dựng áo Vest bán thân (half canvas) hoặc dựng toàn thân (full canvas). Còn được sử dụng trong dựng suit (Canvas) và dựng thêu.
- Có độ bền cao theo thời gian.
Các Loại Phụ Liệu Dựng Áo Phổ Biến Hiện Nay
- Keo giấy (Non-Woven Fusible):
- Lớp nền làm từ vải không dệt, thành phần có thể là 100% polyester hoặc 50% polyester + 50% nylon. Thường được phủ 2 loại hạt PA và PES. Loại này có rất nhiều ứng dụng, phù hợp cho hầu hết các sản phẩm may mặc, được sử dụng rộng rãi hiện nay.
- Keo vải (Woven Fusible):
- Lớp nền làm từ vải dệt kim hoặc vải dệt thoi, thường có thành phần là 100% polyester và phủ hạt PA. Có nhiều loại như mùng gân (Wrap knit), mùng co dãn 4 chiều (Tricot knit), Broken till, 30D, 50D.
- Ngoài ra, còn rất nhiều loại khác tùy theo yêu cầu của khách hàng.
- Keo áo sơ mi (Topfuse):
- Có bề mặt vải dày và thô hơn, thường có thành phần TC 80//20 (80% polyester, 20% cotton) hoặc 100% cotton. Loại này giữ form và có độ bung tốt, thích hợp cho cổ áo, nẹp áo và cổ tay áo sơ mi. Đôi khi cũng có thể dùng được cho đai quần. Yêu cầu ép dưới nhiệt độ cao vì được phủ bằng loại hạt HDPE (High density polyethylene).
- Dựng suit (Canvas):
- Có bề mặt cứng, thành phần đa dạng tùy theo chức năng sử dụng. Loại này được sử dụng để tạo form áo vest, nên thường rất dày và có trọng lượng cao.
- Đệm ngực/đệm vai/nỉ cổ (Needle punch/Shoulder pad/Under collar felt):
- Cấu trúc từ vải không dệt (xăm kim), có bề mặt mềm và giữ form tốt. Thường được dùng để đệm ở một số chi tiết của áo vest hoặc áo khoác.
- Dựng thêu (Embroidery):
- Thường cấu trúc không dệt và không có keo. Loại này được sử dụng để giữ form khi làm hàng thêu, gồm các loại như dựng thường, dựng dai, dựng tan trong nước, nhiệt và dựng xé.
Hiểu rõ về các loại phụ liệu dựng áo trên thị trường hiện nay sẽ giúp chọn được phụ liệu phù hợp. Bên cạnh đó, lựa chọn đúng nhà cung cấp cũng là yếu tố quan trọng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này!
Thân ái,
HEFC chúc bạn mua sắm vui vẻ và tìm được những sản phẩm phụ liệu dựng áo chất lượng!