Nét nghĩa và ý nghĩa biểu niệm
Trọng tâm của ý nghĩa từ vựng là ý nghĩa biểu niệm. Ý nghĩa biểu niệm cũng là các vi – hệ thống gồm các thành phần nhỏ hơn không thể phân chia, được gọi là nét nghĩa (nghĩa vị, nghĩa tố, thành tố ngữ nghĩa, hạt nhân ngữ nghĩa…).
Phân tích thành tố nghĩa
Để phân tích nét nghĩa, người ta sử dụng phép phân tích thành tố nghĩa phổ biến trong lịch sử ngữ nghĩa học. J Lyon đã so sánh việc phân tích này với một tỷ lệ thức có cấu trúc chung.
Giả sử chúng ta đặt mối quan hệ trên thành các thừa số như 2 : 6 = 10 : 30 (1). Ta có thể rút ra các thành phần như 1, 2, 3 và 10. Khi đó tỷ lệ thức (1) có dạng như sau: (2 × 1) : (2 × 3) = (10 × 1) : (10 × 3).
Trong biểu thức này, 1, 2, 3 là các số nguyên tố không thể phân tích thành các thừa số nhỏ hơn. 10 không phải là số nguyên tố nên ta có thể đặt thừa số chung cho 10 bằng các số nguyên tố 2, 5 (tức 10 = 2 × 5). Khi đó tỷ lệ thức có dạng: (2 × 1) : (2 × 3) = ((2 × 5) × 1) : ((2 × 5) × 3).
Lúc này, mỗi số hạng trong 4 số hạng (1, 2, 3, 5) đều là các thành phần tối giản. Những thành phần tối giản trong toán học cũng như các nét nghĩa trong ngữ nghĩa học.
Minh chứng cho phép phân tích thành tố nghĩa
Sự phân tích thành tố nghĩa theo tỷ lệ thức toán học có thể được minh chứng qua ví dụ sau đây (theo Lyon):
(1) Đàn ông (man) ; đàn bà (woman) ; trẻ con (child)
(2) Bò đực (bull) ; bò cái (cow) ; con bê (calf)
Ứng dụng tỷ lệ thức toán học ta có:
Đàn ông : đàn bà : trẻ con = bò đực : bò cái : con bê
↔[đực x người-lớn] : [cái x người-lớn] : [± đực, cái x không-người lớn] = [đực x bò-lớn] : [cái x bò-lớn] : [± đực, cái x không-bò lớn]
Từ đó ta rút ra các nét nghĩa: đực, cái, người, bò, lớn, không lớn.
Lý thuyết phân tích thành tố nghĩa này đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngữ nghĩa học, chứng minh cho quan điểm về hình thức của thành phần biểu diễn nó đã làm cho cú pháp và ngữ nghĩa xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, lý thuyết này vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề về nét nghĩa như nét nghĩa được coi là tối giản ở mức độ nào, liệu nét nghĩa luôn có thể chia đôi hay không, quan hệ giữa các nét nghĩa như thế nào.
Những công trình nghiên cứu ngữ nghĩa tiếng Việt
Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu ngữ nghĩa học trên thế giới, các nhà ngôn ngữ học như Hoàng Phê, Cao Xuân Hạo và Đỗ Hữu Châu đặc biệt có những công trình nghiên cứu ngữ nghĩa học tiếng Việt. Theo Đỗ Hữu Châu, nét nghĩa là dấu hiệu logic được đưa vào ý nghĩa biểu niệm. Dấu hiệu logic này bắt nguồn từ các thuộc tính của các sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan. Ở đây, chúng ta cần làm rõ ba khái niệm: thực tế khách quan bao gồm các sự vật hiện tượng, nhận thức bao gồm các khái niệm và ngôn ngữ bao gồm các từ. Sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan tồn tại nhờ các thuộc tính. Khi con người nhận thức các sự vật, hiện tượng và biến chúng thành các khái niệm trong tư duy, các thuộc tính của sự vật, hiện tượng trở thành dấu hiệu logic. Các khái niệm được chuyển vào ngôn ngữ, gọi là quá trình “ngôn ngữ hóa”, để trở thành các từ. Quá trình “ngôn ngữ hóa” các khái niệm cũng là quá trình biến các dấu hiệu logic thành nét nghĩa của từ. Vì thế, về bản chất, nét nghĩa là những phần nghĩa nhỏ nhất của từ.
Ý nghĩa biểu niệm và cấu trúc nét nghĩa
Ý nghĩa biểu niệm là tập hợp của một số nét nghĩa. Đây là một tập hợp tuân theo quy tắc và có mối quan hệ nhất định. Các nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm của một từ có tính chất khác nhau. Có nét nghĩa chung, tổng quát cho nhiều từ (hay gọi là loại vị), có nét nghĩa riêng, cụ thể cho từng từ (hay gọi là biệt vị). Tính chất chung và riêng của các nét nghĩa cũng chỉ có tính tương đối. Nét nghĩa theo sau là riêng so với nét nghĩa theo trước nhưng có thể là chung so với nét nghĩa theo sau.
Các nét nghĩa trong cấu trúc biểu niệm của từ luôn có mối quan hệ quy định lẫn nhau. Chúng được sắp xếp theo quan hệ tương hợp với nhau, trong đó nét nghĩa đứng trước là tiền đề cho nét nghĩa đứng sau, nét nghĩa đứng sau giải thích cho nét nghĩa đứng trước. Theo C.J. Fillmore, nét nghĩa đứng trước là nét nghĩa tiền giả định (pre’suppose) cho cái được đặt ra (pose) ở nét nghĩa đi sau và nét nghĩa đi sau lại là tiền giả định cho cái được đặt ra trong nét nghĩa đi sau nữa. Tiền giả định và cái đặt ra liên tiếp trong ý nghĩa biểu niệm của từ. Nếu các nét nghĩa không có quan hệ tương hợp, từ sẽ được chia thành nhiều nghĩa khác nhau.
Ngoài đặc trưng về tính chất, quan hệ, nét nghĩa còn có những chức năng cụ thể. Chúng có chức năng tổ chức công cụ trong hệ thống và chức năng tổ chức văn bản trong lời nói. Chức năng tổ chức công cụ của nét nghĩa là đảm bảo sự tồn tại của một từ trong hệ thống. Chức năng tổ chức văn bản trong lời nói là quy định cách dùng từ, cách kết hợp với các từ khác trong câu, hay cụ thể hơn là thông qua các nét nghĩa, các từ có thể kết hợp để tạo thành các tổ hợp lớn hơn để phục vụ giao tiếp.
Nét nghĩa là yếu tố hình thành ý nghĩa của các từ. Nó là cơ sở để duy trì tính toàn vẹn hệ thống ngữ nghĩa trong từ đồng thời cũng là cơ sở cho sự chuyển đổi ý nghĩa của từ.
HEFC