Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới hiện nay, với chiều dài trung bình từ 2-3m. Vì các đặc điểm sinh học chỉ cho phép Komodo sinh sống tại Indonesia, nên chúng ta không thể tìm loài động vật quý giá này ở bất cứ nơi nào trên Trái đất. Theo các nhà khoa học, rồng Komodo có quan hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.
Môi trường sống
Rồng Komodo sống đông nhất trên đảo Komodo, đây là một trong số 17.508 hòn đảo của Indonesia. Đảo Komodo có diện tích khoảng 1.800 km² nhưng thưa dân chỉ trên 2.000 người. Hòn đảo này là một phần của Vườn quốc gia Komodo. Tên của loài bò sát này là gọi theo địa danh của hải đảo này.
Rồng Komodo có thể thích hợp ở nhiều môi trường khác nhau. Chúng có khả năng lặn sâu 5m dưới mặt nước để mò cá, nhưng cũng có thể leo trèo như thằn lằn trên cây. Rồng Komodo là loài đặc hữu của Indonesia; ngoài xứ này, không đâu có. Theo khoa học, rồng Komodo là loài cận chủng với giống khủng long ngày xưa, đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Australia một thời có loài thú giống như rồng Komodo với kích thước to gấp ba lần nhưng loài bò sát đó cũng không còn. Còn lại chỉ là những bộ xương hóa thạch.
Rồng Komodo là loài thích hợp sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt của những hòn đảo núi lửa khô cằn. Indonesia hiện còn khoảng 3.500 cá thể rồng Komodo trong đó chỉ có khoảng 350 cá thể rồng cái.
Mặc dù rồng Komodo được bảo vệ nghiêm ngặt, song tình trạng thu hẹp môi trường sống do con người lấn chiếm cùng những tác động thiên nhiên của núi lửa, lượng rồng cái ít oi, nên giống này là loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Đặc điểm sinh học
Rồng Komodo là loài ăn thịt nhưng khá đa dạng, bao gồm các loại côn trùng cho đến các loại thú lớn như dê, trâu rừng, lợn lòi. Thậm chí chúng ăn thịt cả đồng loại. Sinh sống trên đảo Komodo, loài thú này chỉ có một kẻ thù duy nhất, chính là những con rồng lớn hơn. Ngay cả những con rồng trưởng thành cũng không ngại sát hại đồng loại to lớn bằng nhau nếu có dịp.
Rồng Komodo là một trong những động vật có xương sống có khả năng trinh sản. Chiều dài một con rồng Komodo lớn trung bình từ 2 đến 3m và có thể nặng đến 1,6 tạ. Rồng Komodo là loài ăn thịt vô cùng hung dữ. Nhiều người đâ bị loài rồng này tấn công và ăn thịt. Đây là loài săn mồi vô cùng kinh hoàng với bộ máy tiêu hóa cực mạnh. Chúng có thể xơi một lúc lượng thịt bằng 80% trọng lượng cơ thể, nghĩa là, một con rồng nặng 100 kg có thể ăn 80 kg thịt sống. Chúng ăn cả xương kể cả xương động vật lớn như trâu.
Rồng Komodo có một bộ hàm cực khỏe, trang bị răng sắc lại sẵn tính háu ăn. Một nhát cắn có thể truyền chất kịch độc vào cơ thể con mồi vì nước dãi có sẵn nhiều vi khuẩn làm con mồi dễ nhiễm trùng. Sức mạnh bộ hàm, cùng với độc tính nước dãi, sẽ giết chết con mồi, dù đó là trâu mộng.
Thính giác và thị giác của rồng Komodo rất kém nhưng ngược lại khứu giác rất tinh, cảm nhận bằng lưỡi. Bằng cách thè lưỡi để “nếm” không khí, chúng có thể đánh hơi được xác chết cách xa 10km. Việc ăn xác chết đối với rồng Komodo là thường vì sau khi tấn công, con mồi tuy chạy thoát sẽ bị nhiễm độc vì vết cắn và dù chạy xa 10 km trước khi chết, rồng Komodo sẽ đánh hơi tìm đến nơi để ăn thịt.
Săn mồi
Vốn là loài ăn thịt hung dữ, rồng Komodo “sở hữu” bộ hàm cực khỏe, hàm răng cưa giống răng cá mập; đặc biệt, loài “hậu duệ của khủng long” này cực kỳ “phàm ăn”. Rồng Komodo rất phàm ăn và món ăn yêu thích của chúng là các loại thịt. Chúng tấn công các con mồi như hươu, dê, lợn rừng, chó và đôi khi chính là con người.
Loài rồng này còn sẵn sàng ăn thịt chính đồng loại của mình khi không tìm thấy con mồi nào. Do vậy, có thể dễ hiểu tại sao, sau khi hết thời gian được mẹ bảo vệ, che chở, các chú rồng con Komodo phải leo lên cây sống ẩn dật để tránh bị ăn thịt, và kẻ thù có thể chính là mẹ của chúng.
Trước đây, người ta cho rằng Komodo giết chết con mồi bằng các vi khuẩn trong miệng mình, nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa ra câu trả lời khác. Với các thiết bị chụp cộng hưởng, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học New South Wales (Úc) đã khẳng định, trong cơ thể rồng Komodo có chứa tuyến chất kịch độc tương đương với nọc một số loài rắn độc khác trên thế giới. Điều đó ghi nhận Komodo là loài thằn lằn thứ ba trên thế giới được phát hiện chứa độc, hai loài khác là thằn lằn da hột và thằn lằn Gila monster- sinh sống chủ yếu ở Mexico và các bang phía nam nước Mỹ.
Rồng Komodo săn mồi bằng cách cắn và “tiêm” chất độc vào cơ thể con mồi. Vì thân hình cồng kềnh nên chúng sẽ để con mồi bỏ chạy. Tuy nhiên, con mồi đó sẽ dần bị tê liệt do tác dụng của nọc độc. Loại nọc này tác động rất nhanh vào con mồi, gây sốc, đau quặn ở bụng, giảm huyết áp và thân nhiệt, tăng lưu thông máu.
Đặc biệt, chất độc này khiến dãn mạch máu làm máu không đông, gây tê liệt thần kinh khiến con mồi nhanh chóng mất máu mà chết. Điều này giúp rồng Komodo không cần đuổi theo, vừa tránh được những nguy hiểm khác, vừa đỡ tốn công “chạy nhảy”. Nọc độc này cực kỳ nguy hiểm, kết hợp với cú cắn giật và sâu tựa như cá mập, chúng gần như ngay lập tức đi vào cơ thể con mồi rồi phát tác.
Giao phối và sinh sản
Loài vật hiếm này đang có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn 4.000-5.000 cá thể trong đời sống hoang dã. Tuy nhiên trong số đó chỉ còn khoảng 300 con cái là có khả năng sinh sản. Vì sự khan hiếm “phái nữ”, các chàng rồng luôn phải chiến đấu cam go để giành cho mình một cô nàng. Rồng đực càng to, khỏe thì khả năng giành giật bạn tình và bảo vệ lãnh thổ càng lớn.
Khi trở thành người chiến thắng, chàng rồng sẽ tiến tới dùng lưỡi liếm nhẹ lên cô nàng để thăm dò phản ứng của nàng. Chàng ta còn dùng vuốt của mình cào lên cô nàng như một sự nhắc nhở cho cuộc “giao lưu” diễn ra trong khoảng vài phút.
Mt đặc tính được cho là kỳ lạ của loài rồng Komodo đó là, những con rồng cái có thể sinh sản đơn tính (hay còn gọi là trinh sản) nghĩa là chúng hoàn toàn có thể mang thai và tự thụ tinh cho trứng của mình mà không có tinh trùng của con đực. Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời cho hiện tượng này. Tuy nhiên, khi gặp con đực, rồng cái vẫn có thể “mang bầu” và sinh sản bình thường.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Melbourne, Australia, đã chỉ ra rằng, tuổi thọ của rồng Komodo cái chỉ bằng khoảng một nửa so với những con đực bởi chúng phải làm quá nhiều “việc nhà”, như xây tổ và bảo vệ trứng.
Từ khi sinh ra đến tuổi thứ 7, rồng đực và rồng cái có kích thước cơ thể tương đương nhau, nhưng sau đó, khi đến tuổi sinh sản thì rồng cái bị tụt hậu với chiều dài trung bình 1,2 m và trọng lượng trung bình 22 kg. Trong khi đó, chiều cao và trọng lượng trung bình của con đực là 1,6 m và 65 kg.
Một trong những lý do đó là rồng cái phải dành tới 6 tháng mỗi năm để xây tổ, đẻ trứng và chăm con. Sự thiếu hụt rồng cái nghiêm trọng đã khiến rồng đực phải tranh giành nhau bạn tình qua những cuộc đấu gay cấn.
Hiện trạng và bảo tồn
Rồng Komodo cũng có điểm yếu vì chúng là loài bò sát máu lạnh, do đó luôn cần điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Vào những ngày nóng nhất trong năm, chúng phải tạm ngưng mọi hoạt động và tìm kiếm bóng râm của các cây cao to để trú ẩn và cân bằng nhiệt độ cơ thể. Thính giác và thị giác của rồng Komodo không nhạy bén nhưng ngược lại khứu giác rất tinh, cảm nhận bằng lưỡi. Chúng chỉ có thể nghe được âm thanh từ 400-2000 hertz mặc dù có lỗ tai khá to, và đặc biệt khả năng quan sát vào ban đêm rất kém.
Rồng Komodo con vừa ra khỏi trứng đã xông xáo tự đi kiếm ăn mà không cần sự bảo vệ của bố mẹ. Chính vì thế, chúng dễ dàng thành con mồi cho rồng lớn hơn. Mất 3-5 năm là rồng Komodo trưởng thành và 10 năm sau có thể sinh sản. Tuổi thọ của chúng từ 30 đến 50 năm.
Trung tâm Bảo tồn Tài nguyên Quốc gia Indonesia (BBKSDA) tại tỉnh East Nusa Tenggara cho biết khoảng trên 40 con rồng Komodo đã chạy ra và sống bên ngoài các khu vực trong Công viên Quốc gia dành riêng cho loài bò sát khổng lồ, do môi trường sống của chúng bị đe dọa. Vườn thú Surabaya, phía đông Java đã thực hiện chương trình ấp 21 quả trứng rồng Komodo và đã cho ra bảy chú rồng con. Loài vật hiếm này đang có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn 5.000 cá thể trong đời sống hoang dã. Nhưng có những lo ngại rằng chỉ còn khoảng 300 con cái là có khả năng sinh sản.