Ý NGHĨA VIỆC TẬN HIẾN
Giáo lý tổng quát của việc tận hiến Thủ Bản GDTHDC
GIÁO CƯƠNG TẬN HIẾN – THỦ BẢN GĐTH ĐỒNG CÔNG
1/ Lược sử lòng tôn sùng Đức Mẹ – Chúa Giêsu đã khai mở con đường thơ ấu thiêng liêng: a. Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người (Kinh Tin Kính). b. Nếu các ngươi không trở nên như trẻ nhỏ… c. “Thiên Chúa đã sai Con của Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ …” (Gl 4, 4-7). – Chúng ta sống bé nhỏ với Thiên Chúa qua sự lệ thuộc vào Đức Mẹ: để Mẹ cưu mang, bú mớm, dạy dỗ, săn sóc… Chúa Giêsu đã sống với Đức Mẹ đúng như một trẻ thơ. – Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về sự lệ thuộc Mẹ, qua lời trối với môn đệ yêu dấu (Ga 19, 25-27).
– Các thánh : Augustinô, Bênađo, Bônaventura, Anselmo… đều quả quyết: muốn được cứu rỗi cần phải tôn sùng Mẹ Maria. Và theo Thánh Luy Maria đệ Mông-pho, lòng thành thực tôn sùng Mẹ Maria ở tại việc tận hiến cho Đức Mẹ (TTSK số 40). – Mẹ cũng nói ở Fatima : “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria trên khắp thế giới” (1917) và với Lucia: “Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ là nơi con nương ẩn, và là đường đưa con đến với Chúa”.
Tận hiến cho Mẹ là cách tôn sùng đặc biệt. – Các Đức Thánh Cha với lòng tôn sùng Mẹ : Đức Piô XII trong Thông điệp Auspicia Quaedam (1.5.1948) đã kêu gọi: “Ta ước mong rằng mỗi hoàn cảnh cho phép, ngưòi ta hãy thực hiện việc tận hiến trong các giáo phận, giáo xứ và các gia đình. Và ta hy vọng rằng, sẽ lôi kéo được vô số ơn lành và ân huệ của trời cao nhờ việc tận hiến chung cũng như riêng đó…” – Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ngày 25.3.1984 đã long trọng dâng toàn thể thế giới cho Mẹ tại quảng trường Rôma. – Ở Việt Nam tuy đã manh nha từ năm 1843, phong trào tận hiến cho Mẹ khởi sắc từ năm 1947 và đã phát triển đến ngày nay (nơi các hội đoàn: Legio, Đạo Binh, Con Đức Mẹ…). …. 4. Thế nào là việc Tận hiến? Tận hiến là dâng hết, dâng trọn vẹn, dâng tất cả, dâng hoàn toàn, không giữ lại một chút gì. Một sự vật được gọi là tận hiến cho người nào khi sự vật được dâng trọn vẹn để người đó toàn quyền sử dụng. Một người được gọi là tận hiến cho người khác, là người trao phó trót mình cho người đó, hoàn toàn lệ thuộc người đó, như nô lệ ngày xưa đối với người chủ. 5. Tận hiến cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu Kitô: Một sự vật được gọi là tận hiến cho Thiên Chúa hay cho Chúa Kitô khi sự vật đó được dâng hoàn toàn cho Chúa, thuộc trọn về Chúa, dành riêng cho việc tôn thờ Chúa. Sự vật đó còn được gọi là thánh hiến cho Thiên Chúa. Thí dụ: Bình thánh, Chén thánh được thánh hiến cho Thiên Chúa để hoàn toàn dành riêng cho việc tế lễ Thiên Chúa. Nhà thờ, nhà nguyện được thánh hiến để dành riêng cho việc tôn thờ Thiên Chúa. Một người tận hiến cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu Kitô là người dâng trót mình để phụng sự Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, Chúa định đoạt về người đó hoàn toàn theo ý Chúa muốn. Theo nghĩa rộng, bất kỳ một kitô hữu nào cũng có thể nói được là đã tận hiến cho Thiên Chúa khi lãnh phép Thánh Tẩy. Nhưng chỉ những người tự tình dâng trót mình, dâng trọn vẹn con người mình cho Chúa mới được gọi là tận hiến đúng nghĩa. Các tu sĩ, Linh mục, Giám mục được gọi là những vị đã tận hiến cách riêng cho Chúa vì đã dâng mình hoàn toàn để phụng sự Chúa và Giáo Hội Chúa. 6. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ Maria: Theo Thánh Mông Pho, chúng ta phải nói “Tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô nhờ bàn tay Mẹ Maria” mới đúng, vì chỉ mình Chúa mới là chủ tể, là cùng đích của chúng ta cũng như của mọi loài thụ tạo. Nhưng Thánh Mông Pho cũng chấp nhận cách nói vắn tắt là “Tận hiến cho Mẹ Maria”, vì “Chúa luôn ở với Mẹ và Mẹ luôn ở với Chúa và không thể không ở với Ngài: nếu không, Mẹ Maria sẽ không còn là Mẹ Chúa nữa….” (x. LSKĐT số 63). Chính Mẹ cũng đã nói với thiếu nhi Lucia ngày 13 tháng 6 năm 1917: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa”. Mẹ chỉ là trung gian dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta. Mẹ không bao giờ giữ lại cho mình bất cứ người con nào đã tận hiến cho Mẹ, nhưng Mẹ hiến dâng ngay cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu, Con chí thánh của Mẹ.
Chương Hai NỀN TẢNG VIỆC TẬN HIẾN CHO KHIẾT TÂM MẸ MARIA
7. Theo Công Đồng Vatican II, nhờ hồng ân Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria được tôn vinh sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính (x. ASMD 66). Như vậy nền tảng việc sùng kính Mẹ Maria là do việc Mẹ là Mẹ Thiên Chúa gắn liền với các mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Điều này cho chúng ta thấy rõ: Nền tảng việc tôn sùng hoàn hảo đối với Mẹ Maria trước hết và chính yếu là đặc ân Mẹ Thiên Chúa, thứ đến là các đặc ân Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Đồng Công cứu chuộc, Mẹ Giáo Hội, Mẹ Trung gian phân phát các ơn Chúa và Nữ Vương các tâm hồn. 8. Mẹ Thiên Chúa: a/ Mẹ là Mẹ thật của Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Mẹ chỉ sinh ra Chúa Giêsu về nhân tính, không sinh ra thiên tính của Ngôi Hai, nhưng cả hai bản tính kết hợp đặc biệt với nhau trong một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ được gọi là Mẹ sinh ra Thiên Chúa. Từ muôn đời, Chúa đã tiền định cho Mẹ làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng cho đến ngày Tổng thần Gabriel thừa lệnh Thiên Chúa, đến xin Mẹ làm Mẹ Con Thiên Chúa, Đấng Cứu chuộc nhân loại, Mẹ thưa “Xin vâng” (Fiat) và Mẹ mới thật sự trở thành Mẹ Chúa Con. Khi Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth, thánh nữ được đầy ơn Chúa Thánh Thần cũng đã tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa: “Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,43).
b/ Đặc ân cao cả nhất, nền tảng hết mọi ân phúc của Mẹ. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Mẹ Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quý này, Mẹ đã vượt trên mọi tạo vật trên trời dưới đất” (x. ASMD 53). Chính đặc ân cao cả này là nền tảng mọi ân phúc và sứ mệnh của Mẹ, như: Vô nhiễm nguyên tội, Trọn đời đồng trinh, Đồng công cứu chuộc, Lên trời cả hồn xác, Trung gian mọi ân sủng v.v…..
c/ Tín điều “Mẹ Thiên Chúa”. Ngay từ buổi sơ khai, Giáo hội vẫn tin và tôn kính đặc biệt phẩm chức Mẹ Thiên Chúa của Mẹ, nhưng mãi đến năm 431, Công Đồng Êphêsô mới tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Do đó, trong kinh “Trông Cậy” (kinh cổ thời nhất về Mẹ), nhất là trong kinh “Kính Mừng”, Giáo Hội đã dạy chúng ta tuyên xưng và ca tụng Mẹ là Mẹ Chúa Trời.
9. Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội: a/ Đặc ân đầu tiên trong đời sống của Mẹ. Đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội làm cho Mẹ, ngay từ lúc đầu thai trong lòng bà Thánh Anna, đã không hề vướng mắc tội tổ tông cũng không hề lây nhiễm hậu quả nào của tội nguyên tổ như mọi người con cháu Adong- Evà.
b/ Mẹ được Đặc ân Vô Nhiễm nhờ công nghiệp Chúa Kitô. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, tại Đại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Rôma, Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố: “…Ta xác nhận, tuyên ngôn và định tín rằng: Rất thánh Trinh Nữ Maria từ phút đầu thai đã được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân thế. Tín lý này đã được Thiên Chúa mạc khải. Do vậy, tất cả mọi tín hữu phải tin kiên vững”.
c/ Đặc ân Vô Nhiễm làm cho Mẹ được tràn đầy thánh thiện. Công đồng Vaticanô II nhắc lại lời các Thánh Giáo phụ tuyên xưng: “Mẹ Thiên Chúa là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai….” (x. ASMD 56).
d/ Đặc ân Vô Nhiễm chuẩn bị Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Piô XII đã tuyên bố: “…. Để trở nên xứng đáng Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria đã được ơn vô nhiễm nguyên tội khi đầu thai. Vô Nhiễm là tước hiệu dịu dàng khởi đầu tất cả mọi vinh quang của Mẹ” (Ngày 6-12-1939).
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quả quyết: “Đặc ân Vô Nhiễm chứng tỏ một cách vô song và tuyệt vời trung tâm xác thực và sứ vụ cứu rỗi đại đồng của Chúa Kitô. Từ phẩm chức Thiên Mẫu xuất phát tất cả mọi ơn phúc đã được ban cho Rất Thánh Trinh Nữ Maria, mà ơn đầu tiên là đặc ân Vô Nhiễm” (ngày 14-12-1982).
10. Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc: a/ Đồng Công là sứ mệnh đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa. Khi thưa “Xin Vâng” ngày Truyền tin, Mẹ đã trở thành Mẹ Chúa Cứu Thế, đồng thời Mẹ hiểu và sẵn sàng lãnh nhận sứ mệnh “Đồng Công” với Chúa trong việc cứu chuộc của Ngài. Khi sinh Chúa Giêsu được 40 ngày, Mẹ dâng Chúa trong Đền Thờ Giêsusalem. Trong dịp này, Thánh Simêon, được ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, đã tuyên bố rõ ràng sứ mệnh Đồng Công của Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35).
b/ Chúa Giêsu đã làm hai phép lạ chứng tỏ việc Mẹ Đồng Công. Phép lạ thứ nhất (về ơn thánh): Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth. Khi Mẹ vừa chào bà chị, Gioan trong lòng bà chị nhảy mừng vì đã được ơn thánh hoá (Lc 1, 44). Phép lạ thứ hai (về bậc tự nhiên): Trong tiệc cưới tại Cana, nhờ Mẹ can thiệp, Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên trong cuộc đời công khai truyền giáo của Ngài, để tỏ vinh quang Ngài và các môn đệ tin vào Ngài (Ga 2, 1-11). Hai phép lạ này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã làm vì có sự cộng tác của Mẹ.
c/ Mẹ thật là Đấng Đồng Công. Lời Thánh Giáo Hoàng Piô X: “Chúng con cậy vì lời Đức Trinh Nữ Maria đã đồng công chuộc tội cầu bầu, xin Chúa nhận lễ đền tội chúng con thật lòng kính dâng mà tạ Chúa” (Kinh đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu).
Đức Piô XII thưa với Mẹ: “Mẹ đã đáng gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người vì Mẹ đã thông phần trong việc cứu thế”. Theo các Thánh Giáo phụ: “Đức Maria đã phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi đó, Thiên Chúa đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Irênêô nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại” (x. ASMD 56). Công Đồng Vaticanô II quả quyết: “Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ khi Đức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết” (x. ASMD 57); “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra” (x. ASMD 58); “Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng chịu đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế” (x. ASMD 61).
d/ Mẹ tiếp tục việc Đồng Công ở trên trời: Công đồng Vaticanô II xác nhận: “Sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời” (x. ASMD 62).
11. Mẹ Giáo Hội:
a/ Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu: Đức Thánh Cha Phaolô VI khẳng định: “Mẹ là Mẹ của Đấng mà giây phút đầu tiên nhập thể trong trinh dạ Mẹ, đã với tư cách là Đầu kết hợp với Nhiệm thể của mình là Giáo Hội. Đức Maria, do đó, với tư cách làm Mẹ Đức Kitô, cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Giáo Hội” (Diễn văn ngày 21-11-1964). b/ Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi đứng dưới chân Thánh giá Chúa Kitô: Khi Chúa Giêsu hấp hối trên Thánh giá, Chúa đã trối Mẹ làm Mẹ của môn đệ: “Thưa Bà, đây là con Bà…… Đây là Mẹ con” (Ga 19, 26-67). Qua trình thuật này, Đức Phaolô VI dạy rằng: “Đức Maria, Mẹ của Đấng Cứu Thế, được gọi cách hữu lý là Mẹ của tất cả mọi người, Mẹ của các tín hữu, Mẹ của Giáo Hội” (Diễn văn ngày 18-11-1964). Trong Tông huấn “Điềm lạ vĩ đại” (Signum magnum), Đức Phaolô VI nhìn nhận nơi Thánh Gioan, đại diện của toàn thể dòng giống nhân loại được ủy thác làm con của Mẹ Chúa Kitô.
c/ Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi ở nhà Tiệc ly, ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống: Sách Tông đồ Công vụ thuật lại: “Tất cả cùng một tấm lòng chăm chú cầu nguyện với mấy phụ nữ trong đó có Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với các anh em của Người” (Cv 1, 14). Theo Đức Phaolô VI, Mẹ Maria có mặt với các môn đệ của Chúa Giêsu ở nhà Tiệc ly vào ngày lễ Ngũ tuần, được coi như và được tôn vinh là Mẹ Giáo Hội. Vì được đầy tràn ơn sủng, Mẹ đã hợp tác với Chúa Thánh Thần sinh ra Giáo hội” (Diễn văn ngày 27-5-1964).
d/ Giáo hội long trọng tuyên xưng Mẹ là Mẹ Giáo hội: Ngày 21-11-1964, bế mạc khóa ba Công đồng Vaticanô II, Đức Phaolô VI đã công bố Hiến chế tín lý “Ánh sáng muôn dân” (ASMD = Lumen Gentium) mà chương 8 được hiến dâng cho Mẹ Thiên Chúa. Điểm nổi bật của bài diễn văn công bố Hiến chế là việc long trọng tuyên xưng “Đức Maria, Mẹ Giáo Hội”. Đức Thánh Cha nói: “…Chính vì vinh quang Mẹ và vì niềm an ủi của chúng ta mà chúng tôi công bố Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể dân Thiên Chúa, của các tín hữu cũng như các chủ chăn, tất cả đều gọi Mẹ là người Mẹ rất dấu yêu”. 12. Mẹ là Đấng Trung Gian mọi ơn thánh: a/ Công Đồng Vaticanô II tuyên ngôn: “Trong Giáo Hội, Đức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng sư, Vị Bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian… sự trung gian duy nhất của Đấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất. Vai trò tùy thuộc ấy của Đức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng, để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Đấng Trung Gian và Cứu Thế” (x. ASMD 62).
b/ Đức Piô IX viết: “Nơi nương ẩn vững chắc nhất và nơi bảo đảm không bao giờ hụt hẫng giữa những cơn nguy hiểm: đó là Đấng Trung Gian uy thế nhất của thế giới với Con của Mẹ” (Thông điệp Ineffabilis Deus).
c/ Thánh Bonaventura nói: “Mặt trăng giữa mặt trời và trái đất chiếu xuống trái đất ánh sáng nó nhận được từ mặt trời. Cũng vậy, Mẹ Maria Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người truyền xuống trái đất những ơn phúc của trời cao mà Mẹ nhận được từ Thiên Chúa là mặt trời” (Bài giảng lễ Chúa Giáng sinh).
d/ Thánh Mông-pho quả quyết: “Chúng ta cần phải có một vị trung gian bên cạnh Đấng Trung Gian là Chúa Kitô, chính Mẹ Maria rất thánh là người có khả năng hơn cả để chu toàn nhiệm vụ bác ái này. Chúa Giêsu Kitô đã nhờ Mẹ mà đến với chúng ta, thì cũng phải nhờ Mẹ mà chúng ta có thể đến với Chúa Kitô” (x. LSKĐT 85); “Thiên Chúa đã trao ban cho Mẹ Maria gìn giữ, quản lý và phân phát mọi ân sủng của Người, để mọi ân sủng của người qua tay Mẹ theo như quyền hành Mẹ có được trên các ân sủng đó” (x. Bí mật Mẹ Maria II, 10.)
13. Mẹ là Nữ Vương các tâm hồn: a/ Mẹ là Nữ Vương vũ trụ: Công đồng Vaticanô II đã minh định: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các chúa, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. ASMD 59) Đức Piô XII tuyên bố: “Mẹ Maria là Nữ Vương vì là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng Đồng Công cứu chuộc với Chúa Cứu thế, Vua vũ trụ” (x. Thông điệp Ad Coeli Reginam ban hành ngày 11-10-1954). Đức Piô XII cũng thiết lập lễ Mẹ Nữ Vương kính vào ngày 31 tháng 5 hằng năm, nhưng năm 1969, Đức Phaolô VI, trong chiều hướng canh tân phụng vụ, đã đổi sang ngày 22 tháng 8. b/ Mẹ là Nữ Vương các tâm hồn: Thánh Mông pho đã viết: “Cũng như vương quốc của Chúa Kitô chủ yếu là ở trong tâm hồn mọi người, như có lời Thánh Kinh: ‘Nước Thiên Chúa ở bên trong anh em’ (Lc 17, 21), cũng vậy, vương quyền của Mẹ Maria chủ yếu là ở trong tâm hồn con người; chính trong các tâm hồn, Mẹ Maria được tôn vinh với Con chí thánh mình, hơn là nơi các tạo vật hữu hình. Cho nên chúng ta có thể cùng với các thánh gọi Mẹ là Nữ Vương các tâm hồn” (x. LSKĐT 38).
Chương Ba
MỤC ĐÍCH VIỆC TẬN HIẾN 14. Chúa Giêsu Kitô là mục đích chủ yếu của việc Tận hiến: Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, là Thiên Chúa thật và là người thật, phải là mục đích cuối cùng của mọi việc tôn sùng của chúng ta. Nếu không như thế, các việc tôn sùng đó đều là sai lầm, vô giá trị. Vì Chúa Kitô là khởi đầu và tận cùng của mọi tạo vật. Ngài là Chúa độc nhất ta phải suy phục, là vị thủ lãnh độc nhất ta phải liên kết, là con đường duy nhất ta phải theo, là chân lý độc nhất ta phải tin, là sự sống độc nhất làm cho ta được sống: tóm lại, Ngài là tất cả cho chúng ta, và một mình Ngài là đủ cho ta. Nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, ta có thể làm được mọi sự: ta có thể chúc tụng và tôn vinh Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (x. SKĐT 61). Nếu việc tận hiến cho Mẹ Maria làm cho ta lìa bỏ Chúa Kitô, ta phải vứt ngay đi như tránh xa một ảo tưởng của ma quỷ. Nhưng thật sự, việc tận hiến cho Mẹ nhất định đưa ta đến gặp Chúa cách tuyệt hảo, yêu mến Chúa cách thiết tha và phụng sự Chúa cách trung thành (x. SKĐT 62). Vì Mẹ đã được ân sủng biến đổi nên giống Chúa, đến độ có thể nói Mẹ không sống nữa: chính Chúa Giêsu sống và ngự trị trong Mẹ cách tuyệt hảo hơn các thiên thần và các thánh. Ta dám quả quyết: có thể tách rời tất cả các thiên thần và các thánh khỏi Chúa, chứ không thể tách rời Mẹ khỏi Chúa được. Bởi vì Mẹ yêu mến Chúa nồng nàn hơn, tôn vinh Chúa tuyệt hảo hơn tất cả mọi loài thụ tạo hợp lại (x. LSKĐT 63).
15. Làm con yêu dấu của Mẹ: Sau khi lãnh phép Thánh Tẩy, mọi tín hữu đều được hạnh phúc làm con Thiên Chúa, cũng như làm con Đức Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Giáo Hội như đã nói trên đây. Nhưng nhờ việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, chúng ta được Mẹ âu yếm yêu dấu hơn, chiếm được tình yêu từ mẫu của Mẹ sâu đậm hơn. Khi lãnh phép Rửa Tội, chúng ta ý thức rất ít hay có thể nói là chưa ý thức được việc dâng mình phụng sự Chúa và Mẹ vì còn quá nhỏ. Nhưng bây giờ khi làm việc tận hiến, chúng ta ý thức rõ rệt việc làm của chúng ta. Chúng ta hiểu biết tình yêu Mẹ hơn và muốn đáp lại một cách thiết tha, nồng nàn hơn. Nhất là chúng ta tự tình bày tỏ lòng yêu mến Mẹ cách đặc biệt bằng việc tận hiến, để thuộc trọn về Mẹ hơn, chắc chắn Mẹ sẽ đón nhận chúng ta như những người con yêu dấu đặc biệt hơn. 16. Làm tông đồ Chúa Giêsu và Mẹ, cho Nước Chúa và Mẹ hiển trị: Chúng ta đã biết, Chúa Kitô là Vua theo bản tính vì Ngài là Thiên Chúa tạo thành muôn loài muôn vật, Mẹ là Nữ Vương theo ân phúc vì Chúa đã đặt Mẹ làm Nữ Vương vũ trụ, Nữ Vương các thiên thần cùng cả loài người. Chúa đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, mở rộng Nước Chúa, thì Mẹ cũng cần nhiều tông đồ để mở rộng Nước Mẹ như vậy. Các tông đồ của Mẹ phải hoạt động cho Nước Mẹ trị đến, để Nước Chúa vinh quang. Một người đã tận hiến cho Mẹ đương nhiên là một tông đồ của Trái Tim Mẹ. Đây là một sứ mệnh cao cả của những người con riêng của Mẹ. Biết bao người chưa nhận biết và tôn thờ Chúa vì họ chưa nhận biết và yêu mến Mẹ Chúa. Chúng ta phải là những tông đồ dẫn họ đến với Mẹ, vì theo thánh Mông-pho, “Thiên Chúa muốn Mẹ Thánh của Ngài được nhận biết, được yêu mến và tôn kính hiện nay hơn bao giờ hết … Đến với Mẹ, họ sẽ nhận biết Mẹ là phương thế dễ dàng nhất, ngắn nhất và tuyệt hảo nhất để đến với Chúa Giêsu Kitô, và họ sẽ phó thác trọn vẹn hồn xác họ cho Mẹ, để được trọn vẹn thuộc về Chúa Giêsu Kitô” (x. LSKĐM 65).
Chương Bốn BẢN CHẤT VIỆC TẬN HIẾN 17. Theo thánh Mông-pho, sự trọn lành của chúng ta là nên giống hình ảnh Chúa Kitô, kết hợp và tận hiến cho Ngài, nên sự tôn sùng hoàn hảo nhất phải là sự tôn sùng giúp chúng ta trở nên giống Chúa hơn hết, kết hợp và thánh hiến chúng ta cho Ngài cách toàn hảo hơn hết. Mẹ Maria là thụ tạo giống Chúa Kitô hơn hết, vì Mẹ là Mẹ Chúa. Sự tôn sùng hoàn hảo là sự tôn sùng tận hiến, làm cho ta nên giống hình ảnh Chúa Kitô hơn hết. Do đó, khi ta tận hiến trọn vẹn cho Mẹ cũng chính là lúc chúng ta trọn vẹn tận hiến cho Chúa Kitô, Con chí thánh Mẹ (x. LSKĐM 120).
18. Chân thành tận hiến toàn thân cho Trái Tim Mẹ: Việc tận hiến đòi ta chân thành dâng hoàn toàn cho Mẹ:
a/ Thân xác (các cơ năng nội và ngoại quan). b/ Linh hồn (các tài năng: trí khôn, trí nhớ và ý muốn). c/ Của cải trần gian hiện tai và tương lai. d/ Của cải thiêng liêng (công nghiệp, nhân đức, việc lành), quá khứ, hiện tai, tương lai và các giá trị của chúng. đ/ Tính mê, khuyết điểm và tội lỗi.
Tóm lại, chúng ta dâng cho Mẹ trọn vẹn con người cùng với tất cả những gì ta có trong lãnh vực tự nhiên, lãnh vực ân sủng, cũng như trong lãnh vực vinh quang Thiên Chúa dành cho ta trên trời, không giữ lại chút gì dù nhỏ như một sợi tóc, một ý nghĩ thoáng qua, một việc lành nhỏ, một thiếu sót, tội lỗi, và dâng cho Mẹ đời này cũng như đời sau đến muôn đời. Dâng tất cả cho Trái Tim Mẹ như thế, chúng ta không mong ước được Mẹ ân thưởng gì khác ngoài vinh dự muôn đời được thuộc trọn về Mẹ và Chúa Kitô, Con chí thánh Mẹ (x. LSKĐM 121).
19. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là việc tận hiến tuyệt hảo nhất: Việc tận hiến cho Mẹ như vậy là việc hiến dâng cho Chúa Kitô cách trọn vẹn nhất, tuyệt hảo nhất, vì chúng ta nhờ Mẹ dâng lên cho Chúa. Theo thánh Mông-pho, việc tận hiến này có giá trị hơn hết các cuộc hiến dâng khác, vì trong các cuộc hiến dâng ấy, người ta chỉ dâng cho Chúa một phần thời giờ, việc lành, công nghiệp, ân phúc,… của mình. Nhưng trong việc tận hiến đây, chúng ta dâng hết, không trừ một chút gì đời này cũng như đời sau. Như thánh Mông-pho quả quyết, đó là điều mà ngay cả các tu hội dòng cũng không thấy thực hiện (x. LSKĐM 123)
20. Tận hiến làm ta trở thành “Tất cả là của Mẹ” (Totus tuus): Sau khi tận hiến cho Trái Tim Mẹ, chúng ta tùy thuộc hoàn toàn ở Mẹ, trở nên “Tất cả là của Mẹ” (đúng như khẩu hiệu của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II), đồng thời “Tất cả là của Chúa Kitô”. Chúng ta không còn quyền định đoạt gì về các việc lành phúc đức của mình, nhưng hoàn toàn để Mẹ định đoạt theo ý Chúa Kitô, mang lại vinh quang cho Chúa. Tuy nhiên, sự lệ thuộc như thế không làm thiệt hại gì cho những nhiệm vụ của bậc sống hiện tại hoặc tương lai của chúng ta, như một linh mục phải dâng Thánh Lễ cho một linh hồn nào đó, vì chúng ta thực hiện tận hiến cho Mẹ theo trật tự của Thiên Chúa và theo các bổn phận của bậc sống chúng ta (x. LSKĐM 124).
21. Tận hiến cho Mẹ cả những tính mê, khuyết điểm và tội lỗi: Đây là điểm được coi là mới mẻ trong việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ mà vị Sáng Lập Dòng Đức Mẹ Đồng Công đã thực hiện và truyền lại cho các con Đồng Công của Mẹ. Sau khi được ơn soi sáng “Lập Dòng” được hơn 7 tháng, Ngài đã tận hiến cho Mẹ ngày 21-11-1941 (lễ Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ Giêrusalem) theo kiểu mẫu của thánh Mông-pho, nhưng thêm phần hiến dâng tính mê, khuyết điểm và tội lỗi. Ngài đã thưa với Mẹ: “Con cũng xin dâng cho Trái Tim Mẹ mọi tính mê lăng loàn, mọi khuyết điểm, mọi tội lỗi, xin Mẹ tẩy trừ sửa chữa, để từ nay con không còn tự tình xúc phạm đến Chúa nữa”. Như vậy, chúng ta dâng cho Mẹ những tính mê, khuyết điểm, tội lỗi, là có ý xin Mẹ ban ơn sức mạnh để ta dễ dàng thống hối, chừa cải, xa tránh, chứ không phải vì có Mẹ sửa chữa mà ta cứ theo tính mê, phạm tội thêm.
22. Giải đáp mấy vấn nạn về việc Tận hiến: a) Tận hiến làm cho ta mất hết khả năng cứu giúp các linh hồn? Có người nói rằng: Nếu ta dâng cho Mẹ hết mọi việc lành, phúc đức, thì đâu còn khả năng giúp đỡ linh hồn ông bà, cha mẹ, ân nhân, …? Xin thưa: Nói như thế là coi thường quyền năng và lòng nhân hậu của Chúa và Mẹ. Các Đấng không thiếu cách trợ giúp ông bà, cha mẹ, … của chúng ta. b) Tận hiến có cản trở chúng ta cầu nguyện cho người khác không ? Tận hiến không những không ngăn cản chúng ta cầu nguyện cho bất cứ ai, còn sống cũng như đã qua đời, nhưng còn giúp chúng ta cầu nguyện sốt sắng và tin tưởng hơn. Bởi vì Chúa và Mẹ không bao giờ chịu thua chúng ta về lòng quảng đại tri ân, khi chúng ta đã rộng rãi dâng hiến tất cả cho Chúa và Mẹ.
Chương Năm GIÁ TRỊ CAO QUÝ CỦA VIỆC TẬN HIẾN 23. Tính chất tuyệt hảo của Tận Hiến cho Chúa Kitô nhờ Mẹ: trọn vẹn phụng sự Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã hiến thân cho chúng ta cách trọn vẹn, cả xác lẫn hồn, các nhân đức, ân sủng và công nghiệp của Ngài như Thánh Bênađô nói: “Ngài đã chiếm trọn vẹn con người của tôi, vì Ngài đã trọn vẹn hiến thân vì tôi”. Vậy chúng ta tận hiến cho Chúa qua bàn tay thánh thiện của Mẹ, đó là việc công bằng và tri ân, nhưng cũng là việc chứng tỏ chúng ta phụng sự Chúa cách trọn vẹn, tôn thờ Chúa cách tận tình, vì chúng ta đã hiến dâng hết cả, không giữ lại chút gì cho mình ở đời này và cả đời sau.
24. Tận hiến cho Mẹ là thuộc trọn về Chúa Kitô hơn. Theo gương Chúa Kitô thực hành Đức Khiêm Nhượng: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả vô cùng, bằng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đã hạ mình ngự xuống lòng Trinh Nữ Maria như một tù nhân, đã phục quyền và vâng lời Mẹ trong 30 năm. Ngài đã không muốn trực tiếp hiến thân cho loài người, mặc dầu Ngài có quyền làm như vậy, nhưng đã ban mình cho chúng ta qua Mẹ. Ngài đã không muốn xuống trần gian ở tuổi trưởng thành, độc lập với người khác, nhưng đã đến như một trẻ thơ, khó nghèo, hoàn toàn nhờ Mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Chúng ta tận hiến cho Mẹ, tự đặt mình trong tay Mẹ, nhờ Mẹ hoàn toàn, đó là chúng ta thực hành đức khiêm nhường theo gương Chúa Kitô. Đức khiêm nhường là nhân đức Chúa ưa thích hơn cả. Một linh hồn đưa mình lên thì hạ Thiên Chúa xuống, một linh hồn hạ mình xuống thì tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Giacôbê Tông đồ đã quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhượng” (Gc 4,6).
25. Các con tận hiến luôn được Mẹ Maria chăm sóc: a) Mẹ đầy tình thương: Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là người Mẹ rất dịu hiền và đầy tình thương. Thánh Mông-pho đã viết: “Mẹ không bao giờ chịu thua về tình thương và lòng quảng đại: cho nên khi người ta trọn vẹn hiến thân để tôn kính và phụng sự Mẹ, thì Mẹ cũng hết mình một cách khôn tả đối với họ… Có thể nói về những người con của Mẹ những gì mà Thánh Gioan tông đồ đã nói về bản thân ngài: Môn đệ đã coi Mẹ là tất cả gia nghiệp của mình (Ga 19,27)” (x LSKĐT 144). b) Mẹ thanh tẩy và làm đẹp các việc lành của chúng ta. Mẹ thanh tẩy các việc lành phúc đức của chúng ta khỏi mọi tỳ ố do lòng tự ái và dính líu các tạo vật mà chúng ta không nhận ra được. Mẹ làm đẹp các việc lành đó, trang điểm chúng bằng các công nghiệp và nhân đức của Mẹ, để chúng được xứng đáng dâng lên Chúa Kitô (x. LSKĐT 146-148). c) Mẹ xin Chúa vui nhận của lễ chúng ta dâng: Mẹ xin Con Thánh Mẹ vui nhận tất cả của lễ chúng ta dâng lên qua tay Mẹ, dù bé nhỏ và nghèo nàn, vì Thánh Mông-pho viết: “Chúa không nhìn vào lễ vật dâng lên cho bằng nhìn vào người dâng là Mẹ rất tốt lành của Ngài… Như vậy, Mẹ không khi nào bị Con Mẹ khước từ, nhưng luôn được Ngài vui nhận” (x. LSKĐT 149).
26. Tận hiến là cách thế tuyệt hảo mang lại vinh quang cho Thiên Chúa. Theo Thánh Mông-pho, Chúa Kitô đã làm vinh danh Chúa Cha bằng cách vâng phục Mẹ Maria trong 30 năm hơn là trong ba năm làm nhiều phép lạ, giảng dạy, làm cho biết bao người trở lại với Thiên Chúa, nếu không, Ngài đã không làm như thế. Chúng ta tận hiến cho Mẹ là hoàn toàn bắt chước Chúa Kitô lệ thuộc vào Mẹ, nên rất đẹp lòng Chúa Cha, làm cho vinh quang Chúa Cha thêm rực rỡ (x. LSKĐT 139-151).
27. Tận hiến cho Trái Tim Mẹ là con đường dễ dàng nhất, ngắn nhất, hoàn hảo nhất và chắc chắn nhất đến với Chúa Kitô.
a) Dễ dàng nhất: Vì chính Chúa Kitô đã mở ra để đến với chúng ta. Người ta có thể đến với Chúa qua nhiều con đường khác, nhưng gặp nhiều chông gai, thập giá rất khó thắng vượt. Qua con đường Mẹ Maria, chúng ta bước đi nhẹ nhàng và bình an, vì mặc dầu có gặp những khó khăn lớn lao, những chiến đấu cam go, Mẹ nhân lành luôn ở bên cạnh, đồng hành với con cái trung thành của Mẹ, để soi sáng, nâng đỡ, thêm sức mạnh cho, nên con đường này vẫn dễ dàng hơn các con đường khác nhiều. Có nhiều người con rất trung thành với Mẹ, được Mẹ yêu thương đặc biệt, đã gặp những thập giá nặng nề, nhưng họ vẫn vui vẻ vác cách dễ dàng, vì Mẹ ban cho họ đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần và tình yêu thương dịu hiền từ mẫu của Mẹ (x. LSKĐT 152-154).
b) Ngắn nhất: Vì có Mẹ, chúng ta không lầm đường, chúng ta bước đi cách vui vẻ và dễ dàng, như vậy đi mau hơn. Trong thời gian vắn sống lệ thuộc Mẹ, chúng ta tiến xa hơn nhiều năm sống không có Mẹ. Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu đã sống ít năm trên thế gian, và trong ít năm đó, Ngài lại sống gần hết với Mẹ, vâng phục Mẹ. Nhưng Ngài được coi như sống lâu hơn cả tổ tông nhân loại là ông Adong sống trên 900 năm, vì Ngài đã sống vâng phục Mẹ Maria để vâng phục thánh ý Chúa Cha, sửa lại hết những thiệt hại do tội tổ tông gây ra (x. LSKĐT 155-156).
c) Hoàn hảo nhất: Vì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn hảo nhất, thánh thiện hơn hết mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu Kitô, Đấng Tối cao, Đấng hằng hữu đã qua Mẹ rất khiêm nhượng mà đến với chúng ta cách thần linh và hoàn hảo, không mất gì về thần tính và sự thánh thiện của Ngài. Chúng ta là những người bé mọn cũng phải qua Mẹ mà lên tới Chúa cách thần linh và hoàn hảo, không phải lo sợ gì. Giả như có con đường được lát bằng công nghiệp, nhân đức của các thánh trên trời, được soi sáng bởi ánh sáng và vẻ đẹp các thiên thần, được các thánh và các thiên thần hướng dẫn, bảo vệ, nâng đỡ những người đi trên con đường này, thì Thánh Mông-pho vẫn cho là không hoàn hảo bằng con đường vô nhiễm của Mẹ. Con đường của Mẹ không một vết nhơ, không một tì ố, không có tội tổ tông hay tội riêng mình, nên là con đường hoàn hảo hơn hết để đến với Chúa Giêsu (x. LSKĐT 157-158).
d) Chắc chắn nhất: Vì điểm đặc sắc của con đường này là chính Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô cũng như điểm riêng biệt của Chúa Kitô là dẫn chúng ta tới Chúa Cha. Là Mẹ Chúa Giêsu, đầy tràn ơn phúc, luôn kết hợp mật thiết với Chúa, Mẹ không bao giờ ngăn trở, nhưng đưa chúng ta đến với Chúa một cách chắc chắn, vững vàng. Chúng ta tin chắc chắn rằng: đâu có Mẹ Maria, tà thần không thể ở đó; nếu Mẹ giữ gìn, bênh vực, chúng ta sẽ không bao giờ mắc phải những ảo tưởng và những sự lừa dối của tà thần (x. LSKĐT 159-167)28. Tóm lại, tận hiến cho Trái Tim Mẹ là con đường dễ đi nhất, vì có đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đó là con đường ngắn nhất, vì chúng ta trong một thời gian vắn, chúng ta sẽ gặp được Chúa Kitô. Đó là con đường hoàn hảo nhất, không có chút dơ bẩn nào của tội lỗi. Sau cùng, đó là con đường chắc chắn nhất dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Kitô, vì không có tà thần nào, tà thuyết nào có thể làm cho chúng ta sai lỗi, lầm lạc, khi chúng ta trung thành đi trên con đường này (x. LSKĐT 168).
29. Tận hiến mang lại cho chúng ta sự tự do nội tâm lớn lao: Nếu chúng ta trung thành trong việc tận hiến này, chúng ta sẽ được một sự tự do nội tâm lớn lao, sự tự do của con cái Thiên Chúa. Chúa Kitô là Chúa vô cùng nhân hậu đối với chúng ta. Chúa sẽ: – cất khỏi tâm hồn ta tất cả những bối rối lo âu về cuộc sống; – mở rộng tâm hồn ta bằng một niềm tin yêu thánh thiện nơi Chúa; – khơi dậy trong tâm hồn ta một tình mến rất thân mật và con thảo đối với Chúa là Cha nhân hiền của ta (LSKĐT 169).
30. Tận hiến mang lại những lợi ích lớn lao cho người đồng loại: Người trung thành với việc tận hiến sẽ mang lại cho anh chị em mình nhiều lợi ích lớn lao. Nhờ tận hiến, chúng ta thực hành đức bác ái cách tuyệt vời đối với tha nhân, vì qua tay Mẹ chúng ta dành cho tha nhân những gì là quí giá nhất, đó là giá trị đền tội và xin ơn của các việc lành phúc đức của ta. Mẹ sẽ xử dụng để lo cho kẻ tội lỗi ăn năn trở lại, hoặc cứu các linh hồn trong luyện ngục. Cần nhớ rằng các việc lành của chúng ta dâng lên Mẹ sẽ được thêm trong sạch, thêm công phúc, thêm giá trị đền tội và xin ơn: như vậy, các kẻ tội lỗi và các linh hồn trong luyện ngục sẽ được hưởng nhờ nhiều hơn (x. LSKĐT 171- 172).
31. Tận hiến là một cách thế tuyệt diệu để được bền vững đến cùng: Lý do sau cùng thúc đẩy chúng ta tận hiến cho Mẹ Maria là nhờ Mẹ chúng ta được bền vững trên đường thánh thiện và trung thành đến cùng. Thánh Bênađô, tiến sĩ mật của Mẹ đã mạnh mẽ lên tiếng: “Khi Mẹ nâng đỡ, bạn sẽ không ngã quỵ; khi Mẹ bảo vệ, bạn sẽ không sợ gì; khi Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không mệt mỏi; khi Mẹ phù trợ, bạn sẽ tới bến cứu độ”. Mẹ là Trinh nữ rất mực trung tín: nhờ trung tín với Chúa, Mẹ đã sửa lại những thất bại bà Evà đã gây ra do sự thất trung của bà. Mẹ còn xin được ơn trung thành với Chúa và bền vững đến cùng cho những linh hồn tận hiến cho Mẹ, vì Mẹ không bao giờ thất tín và sơ suất đối với tất cả những ai tin cậy, phó thác nơi Mẹ (x. LSKĐT 174 -176). Chương Sáu HIỆU QUẢ VIỆC TẬN HIẾN
Nếu chúng ta trung thành với việc tận hiến, chắc chắn Mẹ Maria sẽ ban tràn đầy ơn phúc cho chúng ta. Xin sơ lược những ơn sau đây.
32. Được chia sẻ đức khiêm nhượng thẳm sâu của Mẹ: Đức khiêm nhượng là nhân đức tự nhiên nổi bật nhất của Mẹ trong cả cuộc sống trên trần gian. Vị Sáng Lập Dòng Đồng Công đã quả quyết: “Trái Tim Mẹ đã hạ mình xuống thẳm sâu dưới hết loài người … Mẹ đã xưng mình là tôi tá hèn hạ Chúa Cao Cả; vì Mẹ đã hạ mình xuống quá, nên đã làm cho Chúa Cả yêu dấu Mẹ hơn hết mọi tạo vật” (Kinh Tuần Bảy, ngày Thứ Ba). Mẹ sẽ chia sẻ đức khiêm nhượng của Mẹ với chúng ta, giúp chúng ta nhận biết mình rất khốn nạn, hèn hạ, tội lỗi, biết khinh chê mình, biết vui chịu người ta khinh chê, bỏ vạ, cáo gian, theo gương Chúa Giêsu, Con thánh của Mẹ (x. LSKĐT 213).
33. Được chia sẻ đức tin mạnh mẽ của Mẹ: Đức tin của Mẹ mạnh mẽ hơn các thánh tổ phụ, tiên tri, tông đồ và tất cả các thánh. Nay Mẹ ngự trên tời, Mẹ không cần đức tin như xưa, vì Mẹ nhìn thấy tỏ tường mọi sự trong Thiên Chúa nhờ ánh sáng vinh quang Chúa. Nhưng được Chúa ban ơn đặc biệt, Mẹ không mất đức tin đó khi bước vào vinh quang Chúa. Mẹ chia sẻ đức tin cho các con cái trung thành của Mẹ trong Giáo hội chiến đấu. Chúng ta sẽ được Mẹ chia sẻ: – một đức tin tinh tuyền làm cho chúng ta an tâm, không phải lo sợ những bất thường của cuộc đời; – một đức tin mạnh mẽ sống động giúp chúng ta luôn làm mọi việc vì lòng mến Chúa; – một đức tin vững vàng như một tảng đá đứng yên giữa sóng gió, bão táp trong đời sống trần gian; – một đức tin hoạt động sâu sắc, giúp chúng ta đi sâu vào những mầu nhiệm của Chúa Kitô; – một đức tin can trường giúp chúng ta hoàn thành những công trình vĩ đại cho Chúa và Giáo hội; – sau cùng một đức tin sáng chói giúp chúng ta dẫn đưa những người còn ngồi trong bóng tối sự chết về nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, Đấng tạo thành muôn loài (x. LSKĐT 214).
34. Được chia sẻ Tình yêu bao la của Mẹ Tình yêu của Mẹ đối với Chúa thật nồng nàn, bao la, các thần thánh trên trời cũng chẳng hiểu thấu được. Mẹ sẽ chia sẻ Tình yêu này bằng cách mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận dồi dào ơn thánh Chúa, để chúng ta tiến mau trên đường giới răn Chúa, yêu mến Chúa như người cha tốt lành, chỉ lo làm đẹp lòng Chúa, tâm sự với Chúa đầy yêu thương và nhân hậu. Nếu bất hạnh chúng ta làm phiền lòng Chúa, chúng ta khiêm cung ăn năn thống hối ngay, xin Chúa ban ơn tha thứ, nâng đỡ chúng ta chỗi dậy, không bối rối, lo sợ, và tiếp tục bước lên gần Chúa với tâm tình của người con đầy tin yêu, phó thác (x. LSKĐT 215). 35. Được lòng tin tưởng vững vàng nơi Chúa và Mẹ: Mẹ Maria đổ tràn đầy trên chúng ta một lòng tin cậy tuyệt đối vào Chúa và Mẹ vì: chúng ta đã không tự ý đến với Chúa, hoàn toàn lệ thuộc Mẹ; – chúng ta đã hiến dâng Mẹ mọi công nghiệp, ân sủng, Mẹ đã tự do định đoạt theo ý Mẹ; – chúng ta đã hiến dâng Mẹ trọn thân xác và linh hồn, Mẹ làm cho chúng ta nên giống Mẹ. Chúng ta có thể thưa với Mẹ như Thánh Bonaventura: “Con trọn vẹn là của Mẹ, tất cả những gì con có đều thuộc về Mẹ. Ôi Trinh Nữ hiển vinh, diễm phúc hơn hết mọi loài thụ tạo! Ước chi con có thể đặt Mẹ như dấu ấn trên trái tim con, bởi vì tình con yêu Mẹ mạnh như sự chết” (x. LSKĐT 216).36. Được biến đổi nên giống Chúa Giêsu trong Mẹ: Thánh Augustinô đã gọi Mẹ là “Khuôn đúc Thiên Chúa” khi nói: “Mẹ xứng đáng để con gọi Mẹ là khuôn đúc Thiên Chúa” (bài giảng 208). Đúng vậy, Mẹ là khuôn đúc nên những người giống như Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ. Những ai được bỏ vào khuôn này chỉ trong một thời gian sẽ trở nên giống như Thiên Chúa, vì Mẹ là khuôn đúc nên Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Chúng ta tận hiến cho Mẹ, tức là đã được bỏ vào trong khuôn Maria, nên thế nào chúng ta cũng được trở nên giống Chúa Giêsu Kitô. Nhưng một điều quan trọng cần nhớ là người ta chỉ đổ vào khuôn đúc những gì đã chảy lỏng ra, nghĩa là chúng ta phải bỏ hoàn toàn con người Adong cũ trong ta, mới có thể trở nên con người Adong mới trong Mẹ được (x. LSKĐT 218-221).
37. Đem lại cho Chúa Giêsu vinh quang lớn lao nhất:
a) Khi làm mọi việc nhờ Mẹ, chúng ta bỏ qua những ý hướng và hành động của mình, mà hòa nhập hoàn toàn vào những ý hướng và hành động của Mẹ. Chúng ta biết chắc những ý hướng của Mẹ thì cao siêu và rất mực tinh tuyền, đầy tình yêu Chúa, nên dù một hành vi rất nhỏ của Mẹ như khâu một mũi kim cũng có giá trị và mang lại vinh quang cho Thiên Chúa hơn cả các việc anh hùng của các thánh. Như thế trong khi sống ở trần gian, Mẹ đã làm vinh danh Chúa hơn tất cả các thiên thần và các thánh. Do đó, nhờ tận hiến cho Mẹ, chúng ta nói được là đã mang lại vinh quang lớn lao nhất cho Chúa (x. LSKĐT 222).
b) Mẹ Maria có đức ái cả thể lớn lao, nên Mẹ muốn chính hai bày tay trinh khiết của Mẹ dâng lên Chúa Giêsu những lễ vật của chúng ta. Chắc chắn Chúa được tôn vinh hơn là nếu được dâng lên bởi bàn tay của các thánh (x. LSKĐT 224).
c) Ngày xưa khi Mẹ đi thăm bà thánh Elizabeth, Mẹ được khen ngợi là diễm phúc vì đã tin vào Lời Chúa, Mẹ liền ca lên bài “Ngợi khen” (Magnificat) chúc tụng Thiên Chúa. Ngày nay mỗi lần chúng ta ca tụng và tôn vinh Mẹ, Mẹ cũng làm như vậy, Mẹ hoàn toàn quy về Chúa, Mẹ ca ngợi và chúc tụng Chúa, Mẹ chỉ tìm vinh quang Chúa (x. LSKĐT 225).
Chương Bảy THỰC HÀNH VIỆC TẬN HIẾN
38. Những việc làm bên ngoài: Chúng ta là những con người có hồn và xác. Có những việc làm bên ngoài giác quan nhận thấy được và những việc bên trong giác quan không cảm nhận được. Tận hiến là việc của cả con người, nên hồn xác chúng ta đều phải làm việc. Mặc dầu phần chủ yếu của Tận hiến là phần nội tâm, thuộc về bên trong, nhưng có nhiều việc bên ngoài chúng ta không được bỏ. Nhiều khi những việc bên ngoài thực hành tử tế lại giúp phần nội tâm hữu hiệu hơn, hoặc giúp người khác thêm sốt sắng, như lời Chúa Kitô đã nói: “… Để người ta xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5,16).Những việc làm bên ngoài có thể thực hiện trước và sau khi tận hiến.
39. Việc làm trước khi Tận hiến (hay chuẩn bị Tận Hiến): Theo Thánh Mông-pho, phải dùng 33 ngày gồm 4 giai đoạn để chuẩn bị Tận Hiến: 1- Dùng 12 ngày đầu để tẩy rửa tâm hồn cho sạch tinh thần thế tục. 2- Tuần I dùng để suy gẫm và cầu nguyện để xin được ơn biết mình và ăn năn thống hối các tội lỗi mình với lòng khiêm nhượng. 3- Tuần II dùng để xin ơn Chúa Thánh Thần cho được hiểu biết Mẹ. 4- Tuần III dùng để xin Chúa Thánh Thần ban cho ơn nhận biết Chúa Giêsu. Cũng cần xin Mẹ trợ giúp để biết Chúa Giêsu hơn. Sau đó, sẽ xưng tội và rước lễ với chủ đích là tận hiến cho Chúa Giêsu nhờ bàn tay Mẹ Maria (x. LSKĐT 227-231).
40. Chương trình chuẩn bị: Chương trình chuẩn bị do Thánh Mông-pho đề ra trên đây phải nói là tuyệt hảo. Nhưng đối với nhiều người sống trong xã hội ngày nay, theo sát được chương trình đó thật là một điều khó khăn. Vậy chúng ta hãy dùng thời gian một tuần hay ít nhất ba ngày để thực thi những điểm chính của chương trình:
1/ Tìm hiểu việc Tận hiến: Đọc các sách nói về Tận hiến, nhất là cuốn “Lòng Sùng Kính Đích Thực đối với Mẹ Maria” do thánh Mông-pho biên soạn. Rất nên nhờ những người đã hiểu biết và đã tận hiến cho Mẹ, như các linh mục và tu sĩ giúp đỡ trong việc này.
2/ Tĩnh tâm, suy gẫm và cầu nguyện, tha thiết nài xin Mẹ và Chúa Thánh Thần ban ơn trợ giúp để nhận biết Chúa Giêsu, sẵn sàng tận hiến cho Chúa qua bàn tay Mẹ Maria.
3/ Xưng tội và Rước lễ sốt sắng với ý định là Tận hiến cho Chúa Giêsu.
41. Thực hiện việc Tận hiến: Sau những ngày chuẩn bị và sau khi Rước lễ, chúng ta sẽ thực hiện việc Tận hiến theo nghi thức riêng dưới sự chứng kiến của Linh mục, những anh chị em đã Tận hiến và cộng đoàn Dân Chúa (nếu có) tùy tổ chức Tận hiến. Trong nghi thức này, điều quan trọng nhất là đọc “Bản kinh Tận hiến” và khi đọc xong, “Ký tên” vào bản kinh đó.
42. Việc làm sau khi Tận hiến: Thánh Mông-pho kể ra nhiều việc bề ngoài rất tốt đẹp tỏ lòng sùng kính Mẹ Maria (x. LSKĐK từ số 234 đến 256), nhưng ở đây chỉ xin đề nghị mấy việc:
1/ Năng đọc lại “Kinh Tận hiến”, hằng ngày nếu có thể. 2/ Mỗi tháng hay hai ba tháng một lần dành vài giờ ôn lại việc Tận hiến, nếu được tham dự Thánh Lễ, rước lễ, thì tốt nhất. 3/ Mỗi năm tham dự một tuần hay ba ngày tĩnh huấn để nhắc lại việc Tận hiến như đã làm trong thời gian chuẩn bị Tận hiến. 4/ Đọc kinh Kính Mừng và lần hạt (chuỗi) Mân Côi hằng ngày.
43. Thánh Mông-pho viết rất hay về kinh Kính Mừng: “Đó là lời ngợi khen tốt đẹp nhất mà bạn có thể dâng lên Mẹ Maria, vì đó là lời kính chào mà Đấng Tối Cao đã dùng miệng Tổng thần Gabriel để chào Mẹ và xin Mẹ ưng thuận điều Chúa muốn. Lời kinh này có sức mạnh và sức thuyết phục Mẹ Maria, đến nỗi dù Mẹ rất khiêm nhượng, Mẹ cũng đã ưng thuận để Ngôi Lời Nhập thể trong lòng mình. Vậy bạn có thể dùng lời kinh Kính Mừng để chắc chắn chiếm được lòng Mẹ Maria, nếu bạn đọc kinh này một cách sốt sắng” (x. LSKĐT 252).
44. Đối với kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Phaolô VI (1963-1978) có lòng yêu kính đặc biệt. Trong bốn văn kiện giáo hoàng “Tháng Năm” (ban hành ngày 19-4-1965), “Mẹ Chúa Kitô” (ban hành ngày 15-9-1966), “Tháng 10 lại đến” (ban hành ngày 7-10-1969), “Tôn sùng Mẹ Maria” (ban hành ngày 2-2-1974), Đức Phaolô VI tha thiết khuyên nhủ các tín hữu đọc kinh Mân Côi. Ngài đã quả quyết: “Kinh Mân Côi rất đẹp lòng Đức Mẹ, một kinh đã được các Đức Giáo Hoàng khuyến khích” (Thông điệp Tháng Năm).
45. Đức Piô XII (1939-1958) quí mến “kinh Mân Côi như phương thế cầu nguyện hợp thời nhất và hữu hiệu nhất, có tính cách thần linh hơn là nhân loại” (Thông điệp “Những sự dữ đang tiến đến” ban hành ngày 15-9-1951). Ngài còn cung kính gọi kinh Mân Côi là “Bản tóm tất cả Phúc âm” (Tông thư gửi giáo dân Phi-luật-tân đề ngày 31-7-1946).
46. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958-1963) gọi kinh Mân Côi là kinh nguyện cao cả, phổ quát trước những nhu cầu thông thường và bất thường của Hội Thánh, của các dân tộc và của cả thế giới (Tông thư “Cuộc hội họp đạo đức” đề ngày 29-9-1961).
47. Thánh Gioan Phaolô II (1978-2005) được gọi là “Người Con Cưng của Đức Mẹ” với khẩu hiệu “Totus tuus” (Con hoàn toàn là của Mẹ). Ngài không ngần ngại tuyên bố: “Kinh Mân Côi là kinh tôi đặc biệt ưa thích” (ngày 29-10-1978). Ngài đã mở một năm cho toàn thể Giáo Hội từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003 gọi là “Năm của kinh Mân Côi” với Tông huấn bất hủ “Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria” ban hành ngày 16-10-2002. Ngài đã có công đặc biệt lập thêm “Năm Mầu Nhiệm Aùnh Sáng” vào chuỗi Mân Côi (được giải nghĩa rõ ràng trong Tông huấn nói trên).
48. Đặc biệt nhất chúng ta phải nói đến là Đức Thánh Cha Lêô XIII, vị “Đại Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi”, trong 18 năm cai trị Hội Thánh, đã ban hành 15 Thông điệp và Tông thơ về Kinh Mân Côi. Ngài viết: “Chúng tôi đặt trong Kinh Mân Côi niềm hi vọng lớn lao nhất… Chúng tôi mong ước việc đọc kinh này được quí mến và thực hiện trong thành phố cũng như nơi thôn quê, trong gia đình cũng như tại công xưởng, nơi các người trí thức cũng như người dân quê… (Thông điệp “Luôn vui mừng” ngày 8-9-1894); Ước mong kinh này được đọc hằng ngày trong Nhà Thờ chính tòa giáo phận, và các ngày lễ trong các nhà thờ giáo xứ…” (Thông điệp “Tin tưởng và Sùng mộ” ngày 20-9-1896).
49. Công Đồng Vaticanô II không nói rõ về kinh Mân Côi, nhưng “khuyến khích hết mọi con cái Giáo Hội hãy nhiệt liệt phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn Ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ” (tức là kinh Mân Côi) (x. ASMD 67). 50. Kinh Kính Mừng với gia đình: Điểm cuối cùng cần chúng ta lưu ý là việc đọc kinh Mân Côi trong gia đình. Các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô XI, Piô XII, Gioan XXIII, Phaolô VI và Công Đồng Vaticanô II đều khuyến khích mạnh mẽ việc đạo đức này. Đức Phaolô VI nói: “Kinh Mân Côi làm tươi nở tình yêu nơi cha mẹ, và vâng phục nơi con cái. Kinh Mân Côi chuẩn bị cho thanh niên vào đời với sự thanh thản sâu xa. Kinh Mân Côi làm nhẹ bớt những gánh nặng của lao công khổ cực” (Sứ điệp truyền thanh ngày 8-12-1963 cho giáo dân Ba-Tây). Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ước mong “các cha mẹ, con cái, sau một ngày lao nhọc vất vả, dâng lên Mẹ trên trời lời kinh thơ thảo và sốt mến. Kinh Mân Côi vừa đọc vừa suy gẫm những mầu nhiệm, sẽ trở nên một trường dạy sự trọn lành chiếu sáng bởi đời sống Chúa Kitô và Mẹ Maria” (Thơ gửi Đức Hồng Y Đại diện ngày 28-9-1960). Tha1nh GH Gioan Phaolô II tuyên bố: “Tôi nhìn đến toàn thể anh chị em, những anh chị em thuộc mọi bậc sống, đến anh chị em, các gia đình Kitô giáo, đến anh chị em, những người bệnh và cao tuổi, đến các con, những người trẻ: Hãy cầm lấy chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá kinh Mân Côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hòa với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em” (Tông thư kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria số 43).
51. Lời khuyên cần thiết khi đọc kinh Mân Côi: Yếu tố đặc biệt nhất của kinh Mân Côi là lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng “lời ngợi khen Đức Kitô”. Kinh Kính Mừng làm bối cảnh cho việc suy gẫm các mầu nhiệm nối tiếp nhau đưa Chúa Giêsu ra cho chúng ta chiêm ngưỡng. Vì thế, còn phải kể đến yếu tố quan trọng khác của kinh Mân Côi là suy niệm. Không có suy niệm, kinh Mân Côi khác nào một cái xác không hồn, đọc kinh chỉ còn là lặp đi lặp lại mấy công thức một cách máy móc, trái với lời Chúa Giêsu: “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lải nhải như kẻ ngoại; họ tưởng rằng nói nhiều thì được nhiều” (Mt 6,7). Tự bản chất, kinh Mân Côi đòi hỏi phải đọc cách bình tĩnh thong thả, để người đọc có thể dễ dàng suy gẫm các mầu nhiệm đời Chúa qua tâm hồn của Đấng đã ở gần Chúa hơn hết, và như vậy mới khám phá ra những kho tàng vô tận của phép lần hạt Mân Côi (Tđ. LTSĐTNM số 46-47)52. Những việc thực hành bên trong: Sau đây là những việc thực hành nội tâm, rất có thể giúp chúng ta được Chúa Thánh Thần kêu gọi nên trọn lành. Đó là làm mọi việc nhờ Mẹ Maria, với Mẹ Maria, trong Mẹ Maria và cho Mẹ Maria. Nhờ bốn cách thế đó, chúng ta có thể làm mọi việc cách trọn lành nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô (x. LSKĐT số 257).
53. Làm mọi việc nhờ Mẹ Maria: a/ Nhờ Mẹ Maria là vâng nghe Mẹ trong mọi sự, cư xử theo tinh thần Mẹ, là tinh thần của Chúa Thánh Thần. Ai hành động theo tinh thần Mẹ thì người ấy là con của Mẹ, tức là con Thiên Chúa. Tinh thần Mẹ là tinh thần của Chúa vì Mẹ không bao giờ hành động theo ý riêng mình, nhưng luôn làm mọi việc theo tinh thần Chúa hướng dẫn. Do đó thánh Ambrôsiô đã cầu mong cho chúng ta: “Ước chi tâm hồn Mẹ Maria ở trong mỗi người chúng ta, để tôn vinh Thiên Chúa! Ước chi thần trí Mẹ Maria ở trong mỗi người chúng ta, để nhảy mừng trong Chúa” (Diễn giảng về Phúc âm Thánh Luca, cuốn 2, số 26).
b/ Để được tinh thần Mẹ hướng dẫn, chúng ta phải: 1) Từ bỏ ý riêng, từ bỏ ý muốn mình trước khi làm bất cứ việc gì, như tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ, lần hạt Mân Côi v.v… –
2) Phó thác tâm hồn ta cho Mẹ để Mẹ hướng dẫn theo ý Mẹ, như một nắm đất sét trong tay người thợ gốm, như một hòn đá ném xuống biển… Ta có thể thưa với Mẹ bằng một lời đơn sơ này: “Lạy Mẹ, con mến Mẹ, con xin từ bỏ mình và dâng mình con cho Mẹ”.
3) Thỉnh thoảng trong khi làm việc và sau khi làm việc, ta nên lặp lại việc hiến dâng và kết hợp với Mẹ (x. LSKĐT số 258-259). 54. Làm mọi việc với Mẹ Maria: Với Mẹ Maria là trong mọi hành động, chúng ta phải nhìn lên Mẹ như khuôn mẫu tuyệt hảo của mọi nhân đức và sự trọn lành, mà Chúa Thánh Thần đã tạo thành nơi Mẹ. Mỗi khi làm việc gì, ta hãy nhìn xem Mẹ đã làm việc đó thế nào, hay nếu ở địa vị ta, Mẹ sẽ làm như thế nào. Để được như vậy, ta hãy chiêm ngưỡng những nhân đức cao cả Mẹ đã thực hiện khi còn ở trần gian, đặc biệt: – 1) Đức Tin mạnh mẽ đã làm cho Mẹ vâng lời sứ thần Gabriel đến truyền tin. Mẹ đã giữ vững niềm tin cả khi đứng dưới chân Thánh giá, chứng kiến cái chết của Con chí thánh Mẹ –
2) Đức Khiêm nhượng thẳm sâu đã làm cho Mẹ sống ẩn dật, xưng mình là tôi tá hèn hạ Chúa cao cả, coi mình thấp hèn hơn hết mọi loài thụ tạo; –
3) Đức Aùi rất cao cả nồng nhiệt đã làm cho Mẹ luôn sẵn sàng vâng ý Chúa Cha, hy sinh dâng Con chịu chết nhục nhã trên núi Sọ, đền tội thay cho cả loài người. –
4) Đức Nhẫn nại chịu đau khổ, Trinh khiết vẹn tuyền, Yêu gia đình mãnh liệt và trắng trong… (x. LSKĐT số 260; x. Tông huấn LTSĐTN số 57).
55. Làm mọi việc trong Mẹ Maria: Trong Mẹ Maria là vui sướng an nghỉ trong Mẹ, sống tin cậy hoàn toàn nơi Mẹ, ẩn náu trong Mẹ với hết lòng tin tưởng, phó thác. Chúng ta sống trong Mẹ là noi gương chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, đã vui sướng ở trong cung lòng Mẹ 9 tháng, và đã thực hiện nơi Mẹ những sự kỳ diệu lạ lùng như Mẹ đã ca lên trong bài Ngợi Khen (Magnificat): “Muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc cao cả” (Lc 1, 48-49). Sống trong Mẹ Maria, chắc chắn chúng ta sẽ được : – 1) Mẹ dưỡng nuôi bằng ân sủng và lòng thương xót của Mẹ; – 2) Mẹ giải thoát cho khỏi mọi sự bối rối, sợ hãi, lo âu; – 3) Mẹ bảo vệ cho khỏi sợ ma quỉ, thế gian và tội lỗi; – 4) Mẹ làm cho trở nên giống Chúa Giêsu, vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu Nhiệm Thể, cũng sinh ra chúng ta là những chi thể của Nhiệm Thể (x. LSKĐT 261-264).
56. Làm mọi việc vì Mẹ Maria: Vì Mẹ Maria, không phải Mẹ là cùng đích tối hậu của mọi việc ta làm, cùng đích tối hậu là Chúa Kitô, nhưng Mẹ là cùng đích gần và là phương thế dễ dàng nhất để đến với Chúa Kitô. Chúng ta đã tận hiến toàn thân cho Mẹ, nên phải làm mọi việc vì Mẹ là điều rất hợp lý. Vì đã tận hiến, chúng ta không được sống nhàn rỗi, nhưng phải lo thực hiện nhiều công việc lớn lao cho Mẹ, nhất là làm Tông đồ cho Trái Tim Mẹ. Chúng ta phải bảo vệ các đặc ân của Mẹ, bênh vực vinh quang Mẹ, tìm mọi cách lôi kéo nhiều người đến phụng sự, tôn kính và mến yêu Mẹ (x. LSKĐT 265). Chúng ta hãy cố gắng thực thi và truyền bá những lời Mẹ dạy, những điều Mẹ mong ước, những sứ điệp từ trời cao Mẹ gửi xuống cho loài người, nhất là ba mệnh lệnh Mẹ ban tại Fatima năm 1917: Cải thiện đời sống, Lần hạt Mân Côi và Tôn sùng Trái Tim Mẹ. Những mệnh lệnh này chính là chìa khóa mở kho tàng ơn phúc và bình an cho các tâm hồn, gia đình và xã hội, cũng như toàn thể thế giới.
LỜI KẾT 57. Sau khi đã tìm hiểu Giáo lý của việc Tận hiến, chúng ta phải công nhận rằng: việc Tận hiến cho Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria hay Tận hiến cho Mẹ Maria là việc sùng kính hoàn hảo. Sự sùng kính này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều hơn, từ bỏ mình nhiều hơn, trung thành với Chúa nhiều hơn, để ơn thánh Chúa làm cho chúng ta kết hợp với Chúa Kitô cách hoàn toàn hơn. Đây cũng là sự sùng kính mang lại vinh quang nhiều hơn cho Thiên Chúa, thánh hóa các linh hồn cách đích thực hơn và hữu hiệu cho tha nhân hơn (x. LSKĐT 118). 58. Việc Tận hiến cho Mẹ Maria là việc sùng kính có giá trị thần học rất cao, vì bắt nguồn nơi Thánh Kinh và có nền tảng Đức Tin vững chắc. Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính Mẹ, vì Mẹ là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại (x. ASMD 66).
59. Như vậy chúng ta có thể khẳng định như Thánh Mông-pho: Tận hiến cho Mẹ Maria là Tận hiến cho Chúa Kitô. Tận hiến cho Mẹ là cách sùng kính thánh hiến và làm cho linh hồn chúng ta nên giống Chúa Kitô hơn hết. Những linh hồn nào càng được thánh hiến cho Mẹ hơn, sẽ càng được thánh hiến cho Chúa Kitô hơn, hay nói cách khác, trọn vẹn thánh hiến cho Mẹ là trọn vẹn thánh hiến cho Chúa Kitô (x. LSKĐT số 120).
60. Tận hiến cho Mẹ Maria thật là một hạnh phúc lớn lao cho chúng ta, vì đây là cách thế tuyệt hảo giúp chúng ta đứng vững trên đường nhân đức và sống trung thành. Nhờ việc Tận hiến, chúng ta ký thác tất cả cho Mẹ, phó thác trọn vẹn cho Mẹ, chúng ta thuộc trọn về Mẹ, và Mẹ hoàn toàn là của chúng ta. Chúng ta có thể nói: “Tất cả những gì của con là của Mẹ, và tất cả những gì của Mẹ là của con” (x. LSKĐT 179). Nhờ Mẹ chúng ta sẽ được kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, Con chí thánh Mẹ đến muôn đời.
Các chữ viết tắt: Lòng Sùng Kính Đích Thực : LSKĐT Ánh Sáng Muôn Dân : ASMD Phúc Âm theo Thánh Luca : Lc Phúc Âm theo Thánh Gioan : Ga Tông Đồ Công Vụ : Cv